Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ mạch nguồn văn hóa...

08:07, 29/03/2023

Giữa buổi trưa nắng gắt, trong căn nhà cộng đồng của buôn Hra Ea Hning, xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin), hình ảnh hai người phụ nữ miệt mài ngồi luồn cây, đan sợi bên khung dệt thổ cẩm như một làn gió trong lành thổi đến xua tan cái oi bức của tiết trời, và dường như cũng làm mát dịu, tạo nhiều hứng khởi cho chuyến đi này của tôi khi tìm hiểu về việc gìn giữ mạch nguồn văn hóa nơi đây.

"Làm công việc này nhìn tưởng dễ nhưng mà lại khó lắm, không phải ai cũng biết làm, vì phải ngồi một chỗ, đòi hỏi sự chăm chỉ, khéo léo, cẩn thận, tỉ mẩn và phải yêu thích cái nghề này lắm. Nhất là lớp trẻ đang ở tuổi vui chơi, thích chạy nhảy, sôi động…", "Một tháng làm được 3 - 4 tấm vải thổ cẩm, thu nhập được khoảng vài triệu đồng. Ngồi lâu cũng đau lưng, tay chân bị tê hết, nhưng đỡ được mưa nắng. Công việc cũng nhẹ nhàng, phù hợp cho những người lớn tuổi; vừa kiếm thêm thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống của bà, của mẹ nên cứ thế làm thôi…" - bà H’Neo Bdap (58 tuổi) và H’Rưm Hmôk (66 tuổi) đã trải lòng như vậy.

Các bà đều biết dệt thổ cẩm từ khi còn là những cô bé ở lứa tuổi mười hai, mười ba; thấy bà, thấy mẹ dệt là tự học, bắt chước làm theo, từ những mẫu dệt đơn giản đến hoa văn phức tạp, và cao hơn nữa là tự nghĩ, tự sáng tạo ra những mẫu hoa văn mới… Trải qua cả quá trình dài lâu, thăng trầm, gắn bó với công việc này như bao người phụ nữ Êđê khác cùng thế hệ, cũng có lúc sản phẩm làm ra đổi được con heo, nhưng cũng có lúc khung dệt để mốc meo vì chẳng ai đoái hoài mua – bán.

Bà H’Neo Bdap và H’Rưm Hmôk miệt mài bên khung dệt tại nhà cộng đồng của buôn Hra Ea Hning.

“Giờ thì vui rồi, được chính quyền, Hội Phụ nữ các cấp cũng như những người yêu văn hóa truyền thống quan tâm, hỗ trợ nên cái nghề này mới được khôi phục lại. Trong buôn mình đã thành lập được một nhóm các chị em cùng nhau tập trung ở nhà cộng đồng để dệt và bán được sản phẩm. Chị em ai cũng vui mừng…”, bà H’Neo Bdap nói trong niềm phấn khởi.

Không riêng gì nghề dệt thổ cẩm được khôi phục lại, có sức sống mới, mà nhiều nét văn hóa truyền thống cũng được người dân nơi đây gìn giữ, phát huy. Trưởng buôn Hra Ea Hning Y Djhund B’Yă (tên thường gọi là Ama Kai) chia sẻ: Bên cạnh sự quan tâm, nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cấp ủy, chính quyền địa phương, thì điều quan trọng hơn cả là từ trong nhận thức của mình, bà con đều rất trân quý gìn giữ những giá trị văn hóa của ông bà để lại. Hiện tại trong buôn còn hơn 20 bộ chiêng; nhiều người biết đánh chiêng, biết dệt thổ cẩm. Vừa rồi huyện hỗ trợ cho buôn tổ chức lễ cúng bến nước, ai cũng phấn khởi, tham gia rất đông.

Lễ cúng bến nước buôn Hra Ea Hning.
 

Hoạt động văn hóa dân gian các DTTS  trên địa bàn huyện từng bước được khôi phục và chuyển từ sinh hoạt tín ngưỡng thành sinh hoạt văn hóa, qua đó đã tạo phong trào và nhen lên ngọn lửa gìn giữ, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở nên thân thuộc, sống động trong đời sống hằng ngày…”.

 
Trưởng Phòng VHTT huyện Cư Kuin Lê Thế Thống

Có thể thấy rằng, tìm được hướng đi đúng trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy cuộc sống hiện đại là một việc làm cực kỳ quan trọng và đã phát huy hiệu quả bằng thực tế sống động nơi đây.

Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) huyện Cư Kuin Lê Thế Thống cho biết: Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc cùng sinh sống. Mỗi thành phần dân tộc đều mang bản sắc văn hóa, truyền thống và phong tục tập quán khác nhau của từng vùng miền; tạo nên sự phong phú, đa dạng về nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc với những sắc thái khác biệt rất riêng như các nghi lễ, lễ hội của đồng bào dân tộc phía Bắc và dân tộc thiểu số (DTTS)  tại chỗ. Trong những năm qua, huyện đã quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa DTTS trên địa bàn.

Nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, phòng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông; phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm; tổ chức phục dựng một số nghi lễ, lễ hội như: lễ cúng bến nước, lễ mừng sức khỏe, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ hội dân gian Việt Bắc, lễ hội đua thuyền…

Bên cạnh đó, việc bảo tồn nét văn hóa nhà dài, cồng chiêng cũng thường xuyên được duy trì; nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ được những bộ chiêng, chóe cổ, xem như vật quý của ông bà để lại. Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ được 73 bộ chiêng; hơn 360 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng; 27 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc; 6 nghệ nhân biết kể sử thi... Hằng năm, Phòng VHTT huyện còn chủ động dự toán kinh phí, phối hợp với UBND các xã vận động già làng, nghệ nhân, thanh thiếu niên mở lớp dạy đánh chiêng cho thanh thiếu niên; trong năm 2022 đã tổ chức được 2 lớp, với 50 học viên…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.