Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ Đàm Đăng Lại với “Món quà cho hiện tại”

08:24, 26/03/2023

Từ hành trình hơn 20 năm trải nghiệm và thực hành nghệ thuật ở môi trường trong nước cũng như quốc tế, họa sĩ Đàm Đăng Lại trở về quê xứ của mình để dành tặng cho bạn bè và những người yêu mỹ thuật “Món quà cho hiện tại” được trưng bày trong Không gian Nghệ thuật Ban Mê (Trung tâm điện ảnh, phát hành phim Đắk Lắk - số 03 Văn Tiến Dũng, TP. Buôn Ma Thuột).

Trong không gian ấy, anh tri ân và gửi đến công chúng thưởng lãm hơn 50 tác phẩm mỹ thuật (điêu khắc, tranh vẽ) bằng các chất liệu gỗ, bột đá, sơn màu trên giấy và kim loại… với nhiều đường nét, hình khối, màu sắc phong phú, đa chiều nhưng thống nhất trong cảm nhận và suy tưởng, rằng chỉ có hiện tại mới đem lại cho chúng ta niềm hân hoan, hạnh phúc lẫn nguồn năng lượng sống thật sự vô biên. Tác phẩm điêu khắc hay tranh vẽ, lớn hay nhỏ đều tràn đầy sức sống - tựa như sự chuyển động của vạn vật trong tự nhiên. Đặc biệt là các khối/cụm điêu khắc được tạo hình như những con voi, thay đổi một chút trở thành con nhím, con nhện… đang chạy nhảy trong không gian; thoắt cái lại biến thành những cánh đồng cuốn gió, những ngọn cỏ rực rỡ đeo mang từng giọt nước long lanh. Với tranh vẽ của anh, muôn vàn sắc màu dường như được nhảy nhót tự do, phóng túng và hứng khởi hơn. Mỗi bức tranh (Mưa rừng) như mỗi “lát cắt” được phóng lớn từ cảm nhận hiện sinh/hiện tại của mưa - đó là những giọt “mưa màu” phủ kín trong không gian tràn ngập ánh sáng. Có thể nói, với họa sĩ Đàm Đăng Lại, nghệ thuật như trò chơi biến hóa trong không gian của màu sắc và ánh sáng, đưa người xem đến với những khoảnh khắc hiện tại luôn biến chuyển, sinh động.

Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại (thứ hai từ phải sang) trao đổi, trò chuyện với khách tham quan và người mộ điệu mỹ thuật. Ảnh: Lan Anh

Theo anh, sự chuyển động mới thể hiện được sự sống. Dòng đời cũng như dòng chảy của một dòng sông - và trên dòng chảy ấy là những khoảnh khắc “hiện tại” được bồi đắp bởi nhiều trải nghiệm, để mỗi ngày “của bây giờ và ở đây” là mỗi món quà. Ở bất cứ nơi đâu, hành trình sáng tác của anh luôn là hành trình khám phá những bí mật của hạnh phúc. “Tôi vinh dự được trưng bày thành quả từ những “món quà” ấy tại Không gian Nghệ thuật Ban Mê, nơi tôi mong muốn mọi người đến với nhau, cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc “của bây giờ và ở đây” với những sắc màu đậm chất văn hóa bản địa qua nhiều hình dáng biến hóa, ẩn hiện tính chất của cầu vồng có sắc màu diệu kỳ được tạo nên từ những giọt nước mắt của cơn mưa và niềm vui của ánh mặt trời trong vũ trụ để cùng nhau tận hưởng, chiêm nghiệm…” - họa sĩ Đàm Đăng Lại thành thật như thế với tất cả mọi người, chứ không hẳn là “tuyên ngôn” cho nghệ thuật của mình.

Tác phẩm trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Lan Anh
 

Hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai, hôm nay là món quà. Đó là lý do nó được gọi là món quà (presents). Hãy cùng thưởng thức và mong chờ thêm những sáng tác mới của anh em trên mảnh đất Tây Nguyên này - nơi trao gửi cho người nghệ sĩ nhịp đập của đất trời, của gió mây và của những bản trường ca của đại ngàn được xem là nguồn năng lượng hạnh phúc”.

 
Họa sĩ Đàm Đăng Lại

Tuy nhiên, như nhận xét của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Tác phẩm của Đàm Đăng Lại đã đặt một câu chuyện mới cho sự kết nối vạn vật trong tự nhiên với ngôn ngữ điêu khắc Việt đương đại. Trời đất như thu nhỏ lại, náu mình trong những không gian lạ lẫm, truyền đi sinh khí một cách kỳ bí khi chạm tay vào hình hài của gỗ, đá, kim loại mà người nghệ sĩ tạo nên, từ đó mách bảo trong im lặng câu chuyện về đức tin. Đây là một trang mới tinh cho mỹ thuật đương đại Việt Nam. Phải chăng đã có khúc điệu mới từ không gian nghệ thuật này? Còn những người khác (trong đó có tôi), khi đến thưởng lãm “Món quà cho hiện tại” được trưng bày trong Không gian Nghệ thuật Ban Mê thì cảm nhận được rằng: Hầu hết tác phẩm của họa sĩ Đàm Đăng Lại được nuôi dưỡng từ bầu không khí văn hóa - nghệ thuật độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên. Ở đó nguyên sơ mà bí ẩn, rực rỡ mà sâu lắng, có sức lan tỏa năng lượng tích cực; đồng thời mang hơi thở của cuộc sống đương đại phả lên “căn cốt truyền thống” một cách sinh động và tươi mới từ những tác phẩm nghệ thuật được anh cần mẫn, chắt chiu sáng tác trong nhiều năm qua.

Ấn tượng nhất từ “Món quà cho hiện tại” mà họa sĩ Đàm Đăng Lại dành tặng cho quê hương Buôn Ma Thuột là những “Cột màu” đa sắc được điểm tô, kết nối đa chiều và đa cung bậc tình cảm lẫn tinh thần về “sức mạnh” của vùng đất Tây Nguyên có bề dày văn hóa, lịch sử. Ngắm nhìn những “Cột màu” kia, bất kỳ ai cũng nhận ra hàng nghìn lớp trầm tích được nuôi dưỡng, bồi tụ qua hàng nghìn năm, mang muôn vàn sắc thái, khát vọng muốn được nảy nở những gì tinh túy nhất. Anh tâm sự, những cột màu của tác phẩm được lấy từ hình dáng cột trụ trong kiến trúc đình chùa người Việt, từ cây nêu của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên - nơi đó hội tụ văn hóa, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng dân tộc. Đặc biệt là màu đỏ son, nó vừa gợi lên lễ nghi tôn giáo đầy huyền bí, lại vừa tươi vui, rộn ràng như lễ hội.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.