Multimedia Đọc Báo in

Tập huấn nghiệp vụ kiểm kê lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn tỉnh

12:35, 31/03/2023

Trong 2 ngày, 30 - 31/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm kê lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Tham dự tập huấn có lãnh đạo, chuyên viên một số phòng chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cán bộ phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố; công chức văn hóa – xã hội của các xã, phường, thị trấn; các nghệ nhân am hiểu về Mo Mường… trên địa bàn tỉnh.

Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Kế hoạch số 30/KH–UBND ngày 2/3/2023 của UBND tỉnh về việc lập Hồ sơ khoa học Di sản Mo Mường đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và phối hợp xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng bộ hồ sơ về di sản văn hóa Mo Mường. Hội nghị tập huấn nghiệp vụ kiểm kê lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn tỉnh năm 2023 là một trong những khâu quan trọng trong tiến trình này.

Nghệ nhân Bùi Văn Thành (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ ý kiến về Mo Mường tại hội nghị.

Tại hội nghị, học viên đã được các giảng viên truyền đạt, giải thích về những khái niệm cơ bản, các phương pháp, kỹ thuật trong quá trình kiểm kê Mo Mường; đặc biệt là hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Đắk Lắk, hướng dẫn kiểm kê; thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy Mo.

Thông qua lớp tập huấn các học viên được bổ sung, nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý từ cơ sở đến cấp tỉnh về bảo tồn và phát huy di sản Mo Mường. Đồng thời, chương trình góp phần động viên đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ di sản, hỗ trợ thiết lập các mối quan hệ giữa cộng đồng với các cơ quan quản lý văn hóa các cấp trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản Mo Mường.

Được biết, Di sản Mo Mường hiện có tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Hà Nội và Đắk Lắk. Người Mường ở Đắk Lắk có khoảng gần 16.000 người, sống rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, tập trung nhiều nhất ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Kar, Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Bông. 

Mai Sao

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.