Multimedia Đọc Báo in

Từ lễ hội nghĩ về những quy tắc ứng xử cộng đồng

06:34, 21/03/2023

Lễ hội là một hiện tượng văn hóa được hình thành và phát triển trong những điều kiện địa lý, lịch sử, văn hóa và kinh tế nhất định, gắn với những đặc điểm văn hóa cộng đồng.

Có nhiều loại hình lễ hội như: lễ hội dân gian; lễ hội lịch sử cách mạng; lễ hội tôn giáo; lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch; lễ hội ngành nghề; lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam…

Trong những năm gần đây, do nhu cầu của xã hội, trên cơ sở đời sống kinh tế, đời sống văn hóa được nâng cao và với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khuyến khích phục dựng những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều lễ hội được phục hồi, tổ chức, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; hướng con người đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Đặc biệt, đối với loại hình lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch đã góp phần tạo ra doanh thu và hiệu quả đầu tư, tạo ra sự đột phá tuyên truyền quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong văn hóa - du lịch, tạo dấu ấn với du khách trong nước và quốc tế.

Đông đảo người dân và du khách đón xem Chương trình lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Với xu hướng chung, hiện nay không gian lễ hội và đối tượng tham gia lễ hội đã được mở rộng, từ trong phạm vi buôn làng hoặc một cụm dân cư trở thành lễ hội vùng, miền. Do đó đối tượng dự lễ hội không chỉ là người dân trong buôn làng, trong một tộc người mà là nơi tụ hội của rất nhiều thành viên trong và ngoài cộng đồng (buôn làng, tộc người, khu vực, quốc gia, quốc tế) cùng tham dự và đồng thời mang đến một bầu không khí mới, một sự ứng xử của các nhóm người trong “đám đông” với những chiều cạnh tâm lý, hành vi khác nhau.

Mọi hành vi tích cực hay hạn chế trong ứng xử của các cá nhân - thành viên trong cộng đồng khi tham gia lễ hội là thể hiện sự nhận thức rất khác nhau về ứng xử. Do đó, trong sinh hoạt lễ hội, ứng xử đúng theo các “quy chuẩn” cộng đồng với tinh thần văn hóa của các lễ hội là một hành vi rất cần thiết và quan trọng; là “hành trang” tất yếu mà mỗi cá nhân cần có khi tham dự. Và nếu một cá nhân nào có hành vi “lệch chuẩn”, lệch quy tắc cộng đồng thường sẽ tạo ra sự phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.

Trên thực tế, có không ít cá nhân tham gia lễ hội nhưng lại chưa tuân thủ các quy tắc cộng đồng. Đó là một số hiện tượng như đi chùa ăn mặc chưa phù hợp; có sự thái quá trong thể hiện tín ngưỡng với mong muốn cầu lộc, cầu tài, chen lấn, xô đẩy, cướp lộc. Vẫn còn đâu đó tình trạng tổ chức các trò chơi đánh bạc trá hình; hoạt động mê tín dị đoan, xem bói. Tình trạng ùn tắc giao thông, xả rác, gây mất vệ sinh môi trường vẫn còn diễn ra…

Có thể nói, văn minh lễ hội được thể hiện qua cách hành xử lịch sự, có văn hóa, tôn trọng các quy tắc ứng xử cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực lễ hội, chấp hành nghiêm các quy định của ban tổ chức lễ hội.

Chương trình Lễ hội đường phố tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội cũng đã đưa ra những quy định nhằm điều chỉnh ý thức và trách nhiệm của người tham gia lễ hội. Bên cạnh quyền của người tham gia lễ hội, Nghị định cũng nêu rõ các trách nhiệm như: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường; không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định nêu trên còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Như vậy, có thể thấy rằng văn bản đã có và rất phù hợp với những chuẩn mực quy tắc ứng xử văn hóa của cộng đồng. Để xây dựng nét văn hóa, văn minh lễ hội, cần xây dựng thói quen tôn trọng quy tắc cộng đồng; tuân thủ những quy định về bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị tích cực của lễ hội. Mỗi cá nhân cần có lối ứng xử văn minh trong lễ hội và hơn thế nữa cần biến lối ứng xử này thành thói quen, thành nếp sống hằng ngày – điều này cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng…

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.