Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ trong gìn giữ, quảng bá văn hóa

08:14, 29/03/2023

Ứng dụng công nghệ số vào việc gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc là một trong những vấn đề được bàn thảo sôi nổi tại Diễn đàn “Tuổi trẻ Đắk Lắk với nhiệm vụ chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số” do Tỉnh Đoàn vừa tổ chức.

Hơn 200 bạn trẻ cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý văn hóa đã trao đổi nhiều nội dung, một số giải pháp công nghệ để tiếp cận về văn hóa trong thời đại 4.0 hiện nay.

Là người con của mảnh đất Tây Nguyên, cũng là nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS. Buôn Krông Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên) chia sẻ: “Đắk Lắk là nơi tập trung tới 49 dân tộc cùng sinh sống và cộng cư, từ đó đã tạo nên một bức tranh văn hóa khá đa dạng. Bản sắc văn hóa các dân tộc tại chỗ có rất nhiều nhưng còn được lưu giữ rõ nét đến ngày nay thì phải kể đến không gian văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, trang phục, luật tục…”.

Video giới thiệu về văn hoá ẩm thực dân tộc Êđê do bạn Võ Tiến Tuấn Niê phối hợp cùng ông Sonny Side (Youtuber người Mỹ - Kênh Best Ever Food Review Show) đăng tải trên Youtube đạt trên 3,3 triệu lượt xem (ảnh cắt từ video).

Trong kỷ nguyên số, một trong những kênh quan trọng để khai thác đề tài, tìm kiếm thông tin cũng như truyền tải, lan tỏa tác phẩm nói chung, tác phẩm về văn hóa nói riêng chính là mạng Internet. Theo Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - VNPT Đắk Lắk Nguyễn Văn Thản, với sự năng động, nhạy bén với khoa học - công nghệ, các bạn trẻ có khá nhiều thuận lợi trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Ngày nay, thông qua các nền tảng số như Facebook, Tik Tok, Youtube, các bạn trẻ có thể dễ dàng quảng bá những nét văn hóa của Đắk Lắk.

Nhiều bạn trẻ đã chia sẻ suy nghĩ của bản thân về văn hoá truyền thống cũng như nêu lên những khó khăn vướng mắc về việc giữ gìn, quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Là người trực tiếp tham gia kết nối, hỗ trợ đoàn du khách nước ngoài trải nghiệm về văn hóa dân tộc Êđê trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện clip giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình và lan tỏa trên Facebook, Tik Tok và Youtube, anh Võ Tiến Tuấn Niê (chuyên viên Ban Thanh thiếu nhi trường học,  Tỉnh Đoàn) chia sẻ: “Lần đầu trải nghiệm nhiệm vụ mới, tôi rất vui khi clip giới thiệu về văn hóa dân tộc của nhóm đã thu hút sự quan tâm của mọi người với rất nhiều lượt xem, chia sẻ trên các nền tảng mảng xã hội. Điều đó cho thấy từ việc phát triển của công nghệ thông tin cũng như không gian mạng thì mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ cần và nên tiếp cận công nghệ để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa, nhất là văn hóa của các dân tộc tại địa phương. Ở địa phương hiện nay cũng có rất nhiều bạn trẻ đang quảng bá du lịch theo cách thức này. Tuy nhiên những hoạt động này chủ yếu mang tính tự phát và còn tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Chính vì vậy các bạn trẻ rất cần có sự hỗ trợ thêm các thông tin liên quan đến ứng dụng số, làm tiền đề tiếp tục phát huy và tận dụng tốt hơn các nền tảng công nghệ để góp phần gìn giữ, quảng bá phát triển văn hóa”.

Anh Y Xim Ndu giới thiệu với du khách đỉnh Chư Yang Lắk - địa điểm du lịch mới hấp dẫn tại địa phương. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Đang khởi nghiệp với lĩnh vực du lịch tại địa phương, tham gia diễn đàn lần này, anh Y Xim Ndu (huyện Lắk) mong muốn được trao đổi, tìm ra hướng đi trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc của người Tây Nguyên nói chung và văn hóa bản địa của Đắk Lắk nói riêng trong thời gian tới. Theo anh Y Xim, các bạn trẻ bây giờ có cách tiếp cận mới, đưa công nghệ số vào việc truyền tải giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình đến mọi người một cách cụ thể và sát sao, hướng tới nhiều đối tượng. Họ có cách tiếp cận về văn hóa cũng khác biệt hơn, đó là một cách làm mới, cần phải phát huy, áp dụng nhiều hơn. Bên cạnh đó, để làm du lịch, phát triển du lịch, các bạn trẻ cũng cần phải có nền tảng kiến thức đúng, đủ; cần phải được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch văn hóa bản địa. Điều này rất cần được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng trong thời gian tới.

Bạch Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.