Multimedia Đọc Báo in

Cảm nhận tháng Ba

14:07, 04/04/2023

Chiêng đã ngân trong buôn, ngoài phố cùng điệu xoang, câu hát sum họp gọi mời. Tháng Ba về trong nắng vàng như mật khiến bước chân du khách như nôn nao hơn trên những con đường dẫn về TP. Buôn Ma Thuột.

Không gian lễ hội đã mở ra với muôn vàn sắc màu rực rỡ. Ngay từ những ngày đầu tháng 3/2023, đô thị trên cao nguyên này trở nên nhộn nhịp và sôi động vô cùng, bởi ở đây đang diễn ra “sự kiện kép” - Kỷ niệm 48 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 – 10/3/2023) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Đây không phải là ngẫu nhiên, mà là ý tưởng đáng trân quý của chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận của người dân để thể hiện tình cảm, tâm tư của mình trước những dấu mốc lịch sử đáng tự hào.

TP. Buôn Ma Thuột rộn ràng trong mùa lễ hội tháng Ba. Ảnh: Hoàng Gia

Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột cũng là ngày khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột - đó là một sự “trùng phùng” giữa quá khứ và hiện tại mà bất kỳ ai cũng cảm nhận được. Người bước ra từ cuộc chiến đến lớp trẻ hậu sinh hôm nay, tuy đón nhận sự kiện này với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, nhưng tất cả đều có chung niềm cảm khái về cuộc sống thanh bình, ổn định và phát triển đang “đơm hoa kết trái” ở đây. Có thể nói, niềm vui trong Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột đã được nhân lên trọn vẹn, đầy đủ hơn trong tổng phổ đa chiều, giàu cảm xúc của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được hình thành và không ngừng hoàn thiện (từ hình thức đến nội dung) kể từ năm 2005  đến nay. Ở đó, qua mỗi kỳ lễ hội (trùng với mốc son lịch sử 10/3) khiến mọi người, mọi thế hệ không chỉ tri ân những gì đã qua, mà còn nhận ra nhiều đổi thay trước hiện tại, tin vào tương lai về cuộc sống tươi đẹp và phồn vinh hơn. Đi qua mỗi kỳ lễ hội là dịp để nhận ra gương mặt ngày thêm tươi mới trên quê xứ này, cùng những bước đi vững chắc về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao… trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Bước ra từ ngổn ngang, đổ nát sau năm 1975, Buôn Ma Thuột chỉ là thị xã bé nhỏ, khiêm nhường ít được biết đến. Có chăng qua lịch sử, địa danh này nổi lên như mốc son chói lọi với chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975, có ý nghĩa to lớn và quan trọng, làm “bàn đạp” cho cuộc tổng tấn công trên các mặt trận, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; còn lại trên nhiều phương diện khác, đô thị này vẫn nghèo nàn, bé nhỏ nơi vùng cao Tây Nguyên đại ngàn. Đến nay, sau 48 năm xây dựng và phát triển trong nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, cùng sự đoàn kết của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn đã nâng Buôn Ma Thuột lên tầm vóc là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với cơ sở kỹ thuật, hạ tầng kết nối đồng bộ, đóng vai trò động lực phát triển mạnh mẽ cho cả khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Giờ đây, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tiếp tục khai thác vốn tài nguyên quý báu (đất đai, lâm sinh, cảnh quan, văn hóa, lịch sử) để xây dựng và phát triển đô thị này ngày càng to đẹp hơn. Trong đó, lần qua những “lát cắt” lịch sử trong hành trình đi tới của Buôn Ma Thuột, không ai có thể phủ nhận vị thế, vai trò đóng góp cho sự “thay da, đổi thịt” trên vùng đất bazan này từ cây cà phê, một trong những loại cây trồng được xác định là chiến lược của Đắk Lắk trong nhiều thập niên qua. Cà phê đã trở thành biểu trưng để nhận diện gương mặt đô thị Buôn Ma Thuột hôm nay - và hơn thế, trong tinh túy và các giá trị song hành về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội…, cà phê được cộng đồng sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu ở đây tôn vinh thành lễ hội với tầm mức cấp quốc gia. Cứ định kỳ hai năm một lần, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lại mở ra, thu hút người dân và du khách gần xa tham dự. Với quy mô ngày càng hoành tráng, tích hợp ngày càng nhiều hoạt động, nội dung phong phú và sâu sắc, lễ hội là sự tôn vinh người trồng cà phê ở một vùng đất giàu tiềm năng và bản sắc; đồng thời qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh Đắk Lắk giữa hai chiều truyền thống - hiện đại một cách hài hòa trên hành trình vươn tới tương lai với những thành quả mới đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân văn.

Đến hẹn lại lên, tháng Ba về là mùa đẹp nhất ở Tây Nguyên. Ở đó, ngày trước diễn ra “Mùa ning nơng” (thời gian nghỉ ngơi, thực hành lễ hội, đi chơi và thăm thú nhau) hay “Mùa ăn năm uống tháng” của người dân tộc thiểu số bản xứ; nay có lễ hội cà phê, trong đó cũng tích hợp ít nhiều ý nghĩa, giá trị nhân văn này. Vì thế trong buôn xa, làng gần ở Buôn Ma Thuột cũng như những vùng lân cận khác lại náo nức vào hội - và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là tâm điểm, nơi mở ra nhiều không gian để cho mọi người, mọi cộng đồng dân tộc và du khách cộng cảm, chia sẻ như “sức mạnh mềm” nhằm hướng tới tương lai.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.