Multimedia Đọc Báo in

Cảm xúc tháng ba

16:17, 23/03/2022

Tây Nguyên đã vào tháng ba. Tháng ba xưa đã từng là tháng nghỉ ngơi – khei ning nơng, là mùa “Ăn năm uống tháng – huă mlam mnăm thŭn ”.

Tháng ba nay, ngắm cờ hoa, xe cộ chảy như những dòng sông đầy sức sống phập phồng thở trên mọi con đường thảm nhựa, thêm yêu miền quê hương đất đỏ dáng dấp vô cùng trẻ trung, căng đầy sức thanh xuân trên “con tàu” hội nhập. Và những dòng ký ức bỗng tràn về…

Cách đây 47 năm, vào năm 1975, xe chở Đoàn Ca múa Tây Nguyên chúng tôi từ miền Bắc về Tây Nguyên. Chúng tôi, những đứa con Tây Nguyên trở về sau 21 mùa rẫy xa bến nước rừng cây, có đủ trong tâm hồn những nỗi vui, buồn, thương mến của ngày hồi lại cố hương nên chẳng ai nghỉ ngơi, mà dành thời gian rảo bước tò mò tìm hiểu về những địa điểm dừng chân của Đoàn trên khắp Tây Nguyên: Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum… Những tên gọi thân quen nhưng vẫn đang hoàn toàn xa lạ bởi đa số chúng tôi đều đi tập kết từ lúc còn là những đứa trẻ chân đất đứng chỉ ngang hông những amí, ama.

Con đường bích họa ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Ngày ấy, 47 năm trước, Buôn Ma Thuột, Pleiku chỉ là những thị xã nhỏ, và Kon Tum với các nhà thờ, chủng viện bình yên, lặng lẽ. Nhà nhỏ, phố nhỏ, những con đường dầu ngắn quanh co, lên dốc, xuống đồi vây quanh các trung tâm nội thị đầy thông xanh… Cả ba tỉnh lỵ Tây Nguyên chỉ có một trường sư phạm cao nguyên duy nhất ở Buôn Ma Thuột đào tạo giáo viên cấp I, cấp II. Dòng thác huyền thoại của nàng Drei H’Linh xinh đẹp chỉ dồn nước cho một nhà máy thủy điện bé nhỏ, cung cấp điện năng cho các khu công vụ và cư dân nội thị… Hình ảnh làm ấm lòng du khách là bóng dáng lấp vấp trong tấm váy đen của những người phụ nữ lưng mang gùi, che dù, rảo bước chân trên mọi nẻo đường phố thị khắp cao nguyên khiến bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy “Em Pleiku má đỏ môi hồng” càng thêm nổi tiếng.

Tây Nguyên tôi ơi, đất với người ngày ấy – hôm nay, có nhiều lắm những mất còn của rừng, của nước, mang đến sự se thắt con tim. Nhưng ai nói gì thì nói, những cái được, những đổi thay của mọi buôn, bon, kon, plei trên cao nguyên chan hòa nắng, chứa chan gió này, không thể dùng số đếm của ngôn ngữ Êđê, J’rai, Ba Na hay Sê Đăng xưa để kể cho hết nữa rồi, sau những tháng năm thật sự chuyển mình.

Đã 47 mùa rừng thay lá. Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum và cả Gia Nghĩa nay đều đã là những thành phố khang trang, hình thành những dấu chấm son lớn hơn của Tây Nguyên trên tấm bản đồ hình chữ S.

Đường Hồ Chí Minh nối Tây Nguyên với mọi miền quê từ Bắc vào Nam. Các công trình thủy điện trên sông Sê San, sông Sêrêpốk, sông Đắk Bla… mang ánh điện sáng bừng thay trăng tràn đến khắp núi rừng, từ tận đỉnh Ngọc Linh cho tới đồng cỏ M’Drắk ven chân núi Mẹ bồng con Cư H’Mú, kéo theo truyền hình cáp, Internet mang tin tức khắp thế giới đến mọi buôn, bon, kon plei quê tôi.

Thủy lợi Ayun Hạ, Đắk Uy, Plei Krông, Ea Kao, Ea Súp Thượng… giúp biến đất hoang thành ngàn cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, cho cái đói chạy xa khỏi những cầu thang nhà sàn của miền đất cao nguyên; cho Buôn Ma Thuột mơ không chỉ mang thương hiệu Cà phê Ban Mê được quốc tế công nhận, mà còn sẽ là thủ phủ của món đồ uống gắn kết toàn cầu; để sâm Ngọc Linh, bô xít Nhân Cơ có thể làm thay đổi bộ mặt của một vùng đất nghèo; những sản phẩm OCOP từ thổ cẩm, trái cây, lúa thơm, sôcôla, ca cao, hạt điều, mắc ca, rượu vang cà phê… tự hào thương hiệu miền cao nguyên đất đỏ.

Trường Đại học Tây Nguyên, phân viện các trường đại học từ Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, hệ thống các trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, hàng nghìn trường, lớp từ mầm non đến THPT cho con em mọi người dân tận buôn, bon, kon, plei đều có thể tung tăng đến trường, ê a câu nói vần song ngữ. Và vượt lên tất cả là sự tôn vinh của thế giới đối với Di sản đầy sáng tạo của những nghệ nhân chân đất, góp phần làm sang trọng cho văn hóa Việt Nam, không chỉ có “Không gian văn hóa cồng chiêng”, mà còn cả kho tàng sử thi dân gian lớn nhất thế giới của 6 tộc người Êđê, J’rai, M’nông, Ba Na, Sê Đăng, Răk Glay, những bộ luật tục bằng văn vần hàng nghìn câu, chắt chiu tri thức của mỗi tộc người.

Tôi nhìn thấy bóng các tù trưởng Dam San, Dam Noi, Dam Giông, N’Trang Lơng, Săm Brăm, Ama Thuột… lừng lững như những thiên thần trên ngọn gió mang hương hoa bay khắp núi đồi; vua săn voi Y Thu Khunjunốp và nữ tù trưởng Yă Wam oai nghiêm trên bành voi ung dung vượt sông Sêrêpốk mùa nước lũ. Các vị lão thành cách mạng Nay Der, Nay Phin, Y Wang Mlô Dun Du, Y Ngông Niê Kdăm… hể hả cười nâng cần rượu mừng ngày hội lớn. Vang vang trong gió, tiếng các nàng H’Linh, H’Ly, Bia Phu hát trong ánh cầu vồng nơi đầu những dòng thác tung nước trắng xóa bài ca “Tây Nguyên giải phóng” phơi phới niềm vui của tháng 3/1975, mà nhạc sĩ người Jrai - Kpă Púi năm ấy đã nhanh chóng gửi ra Hà Nội, rằng  “Cồng chiêng ơi cùng ta nhảy múa/ đàn tr’ưng ơi ca hát vang lên/ kết đoàn lại, vững một lòng/ gìn giữ lấy buôn làng Tây Nguyên”. Và cả tôi nữa, say với mùa xuân của cao nguyên hôm nay, đồng cảm cùng tác giả thơ Lê Quang Được để cùng làm nên ca khúc “Nhớ tháng ba”, rằng: “Tháng ba Tây Nguyên anh hẹn gặp em mùa hoa rừng trong gió triền miên, triền miên. Nắng cao nguyên mênh mông hôn từng cánh lá như làn môi em hát. Câu Arei gọi ai xa xăm xa xăm, câu Arei gọi ai mênh mang, mênh mang…”.

Tháng ba, Tây Nguyên quê tôi dẫu vào mùa lá rụng vàng mặt đất đỏ, vẫn đẹp rực rỡ trong xuân xanh bao la đất trời…  

H’Linh Niê           


Ý kiến bạn đọc