Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê

14:22, 04/04/2023

Những tác phẩm mỹ nghệ hoặc đồ vật hằng ngày được chế tác từ thân, cây gốc cà phê già không còn xa lạ với mọi người. Từ chỗ tưởng chừng như bỏ đi, chúng đã thành sản phẩm mỹ nghệ hữu ích và độc đáo.

Từ nhiều năm nay, khi cây cà phê đã già (khoảng 30 – 40 năm tuổi) được nhổ bỏ để thực hiện tái canh, thì gốc và thân của chúng đã được nghệ nhân chọn lựa, sử dụng chế tác để tạo ra sản phẩm mỹ nghệ, những món quà lưu giữ kỷ niệm.

Trước đây, các nghệ nhân chỉ làm những món đồ rất đơn giản như gạt tàn thuốc, giá đỡ, bình hoa… Nhưng đến nay, với nhiều ý tưởng sáng tạo, cùng với sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ và nhu cầu của khách hàng, những sản phẩm từ gốc cà phê ngày càng phong phú, hấp dẫn người tiêu dùng như bàn ghế, tượng nghệ thuật…

Dạo quanh một vòng Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, không khó để bắt gặp những sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê được các công ty, đơn vị kinh doanh cà phê trưng bày, sử dụng như ly, trụ đựng bình hoa, hộp đựng cà phê… Những sản phẩm này không chỉ giúp cho phần trưng bày, giới thiệu trở nên hấp dẫn, mà còn khẳng định được giá trị cây cà phê, ngay cả khi nó đã kết thúc một vòng đời.

Anh Cao Xuân Cường, phụ trách Cơ sở đồ gỗ - mỹ nghệ Xuân Dương, TP. Buôn Ma Thuột giới thiệu về các sản phẩm chế tác từ thân, gốc cà phê.

Tại Triển lãm, trưng bày và Hội thi Sinh vật cảnh năm 2023, các đơn vị kinh doanh, nhà xưởng chuyên chế tác thủ công mỹ nghệ cũng gửi đến du khách những mặt hàng từ cây cà phê khá hấp dẫn. Anh Cao Xuân Cường, phụ trách Cơ sở đồ gỗ - mỹ nghệ Xuân Dương (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, khách hàng, đặc biệt là lượng khách ở miền Tây và TP. Hồ Chí Minh, cực kỳ thích những sản phẩm từ cây cà phê, do nó đậm chất vùng cao nguyên và lạ lẫm. Nhiều người đánh giá, đây là món quà lưu niệm ý nghĩa của vùng có sản lượng cà phê lớn nhất nước. Ngoài mua, họ còn đặt hàng khá nhiều. Đợt này, ngoài gạt tàn hay bình hoa…, cơ sở của anh Cường còn có các bộ bàn ghế làm hoàn toàn từ thân và gốc cây cà phê già. Sản phẩm này khá độc đáo, ấn tượng, với 1 bàn và 6 ghế. Sau khi trưng bày, những bộ bàn ghế này đã tìm được chủ nhân.

Nhóm nghệ nhân chế tác ra bộ bàn ghế từ gốc và thân cây cà phê cho hay, để làm ra sản phẩm này mất khoảng 4 tháng, trong đó công đoạn xử lý chất gỗ là mất nhiều thời gian nhất, do cà phê thuộc loại gỗ tạp, vì vậy cần xử lý kỹ để tránh bị nứt… Thế nên, thông thường, giá bán một cái gạt tàn khoảng 150 nghìn đồng, bình hoa khoảng trên dưới 300 nghìn đồng, nhưng bộ bàn ghế có giá 15 triệu đồng vì thợ dồn nhiều công sức, ý tưởng vào đó.

Ông Ngô Huy Khoa (Bắc Ninh) yêu thích tác phẩm “Ngày mới” của nghệ nhân Hoàng Hồng Sơn (Ea Súp) tại Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê.

Nhân dịp này, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê được tổ chức tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam cũng thu hút khá nhiều người quan tâm. Chỉ sau ba ngày, từ những gốc cà phê xù xì, các nghệ nhân với ý tưởng của mình đã chế tác ra các sản phẩm mỹ nghệ rất đẹp mắt và hấp dẫn.

Nghệ nhân Lê Trung Đại (huyện Krông Năng) cho biết, nhược điểm của gốc cà phê lâu năm là dai, có những u bướu mà dân trong nghề gọi là nu của cây. Và các nghệ nhân đã biến nhược điểm này thành ưu điểm, dựa vào thế u, hình dáng có sẵn của cây cà phê để chế tác và mang lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

Ông Ngô Huy Khoa (Bắc Ninh) rất tâm đắc với tác phẩm “Ngày mới” của nghệ nhân Hoàng Hồng Sơn (huyện Ea Súp) tại hội thi. Ông Khoa chia sẻ rằng: “Hình ảnh già làng trong tác phẩm rất thật, luôn tươi cười. Không những vậy hình cái chiêng, thế gỗ rất nghệ thuật…, đủ để biết rằng nghệ nhân đã có ý tưởng và sự kỳ công ra sao để hoàn thiện tác phẩm này”.

Cây cà phê đã mang đến những giá trị lớn lao trong đời sống của mỗi người dân. Đối với các nghệ nhân, từ những sản phẩm được chế tác từ cây cà phê họ đã có thêm thu nhập. Họ hạnh phúc khi chúng còn được quý trọng, nâng niu, được đặt trong nhiều không gian phù hợp.

Đối với người canh tác cà phê thì hầu như gia đình nào cũng có một vài sản phẩm làm từ gốc cà phê để trưng bày trong nhà, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa thể hiện sự trân trọng đối với loài cây đã gắn bó, mang lại nguồn kinh tế cho gia đình.

Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kotam chia sẻ thêm, những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo từ cây cà phê không chỉ góp phần quảng bá thương hiệu cà phê của địa phương, mà còn giải quyết một phần vấn đề việc làm, nhất là những lao động ngành mộc mỹ nghệ.

Mai Sao
 


Ý kiến bạn đọc