Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê

06:45, 13/03/2023

Nằm trong chuỗi những hoạt động tôn vinh, lan tỏa giá trị về cà phê của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê đã góp phần tạo nên sự độc đáo, mới lạ, đặc sắc văn hóa, đời sống con người Tây Nguyên được thể hiện trong từng tác phẩm.

Khi bước vào Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam, du khách đã nghe âm thanh rộn ràng từ những mũi cưa, đục đẽo và bắt gặp hình ảnh những người nghệ nhân đang khéo léo, tỉ mỉ hoàn thiện từng công đoạn cho tác phẩm mỹ nghệ tâm huyết của mình.

Nghệ nhân Phạm Văn Roàn (tỉnh Đắk Nông) say sưa thực hiện tác phẩm cà phê chồn của mình.

Mặc cho mùn cưa phủ trắng mặt mũi, quần áo, nhưng nghệ nhân Phạm Văn Roàn (tỉnh Đắk Nông) vẫn say sưa tập trung làm việc, nhanh chóng biến những thân cây cà phê già cỗi, xù xì, vô tri thành những sản phẩm nghệ thuật có giá trị. Vừa ngơi tay dừng chiếc đục của mình, anh Roàn hào hứng cho hay, đoàn Đắk Nông có 4 nghệ nhân tham gia hội thi, đều là những người lâu năm, có kinh nghiệm trong nghề điêu khắc. Mỗi người đều có ý tưởng, sản phẩm riêng, thể hiện tài năng qua hội thi. Là người có nhiều sản phẩm mỹ nghệ từ thân cây cà phê, anh nhận thấy những sản phẩm mỹ nghệ làm từ loại cây này có màu sáng tự nhiên, vân đẹp và nếu xử lý gỗ kỹ trước khi sử dụng sẽ tạo ra sản phẩm bền chắc, không bị cong vênh, rạn nứt. Mỗi thân gỗ cà phê sẽ có một hình dạng khác nhau, chế tác được nhiều thế, dáng, giúp trí tưởng tượng của nghệ nhân thêm bay bổng. Do đó, những sản phẩm dù giống nhau về hình thức, nhưng từng chi tiết, họa tiết đều mang sắc thái riêng, tạo nên vẻ đẹp độc đáo, khác biệt cho từng sản phẩm. Mang đến hội thi tác phẩm “Cà phê chồn”, anh Roàn đã thực hiện ghép nhiều thân cà phê với nhau và tận dụng những nu (các khối u bướu nhô trên thân cây) để chế tác thành 5 con chồn nằm xen kẽ, nối nhau, phía trên ngậm 5 hạt cà phê để gửi gắm ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn kết và mong muốn nâng tầm, phát triển hạt cà phê địa phương vươn đến 5 châu lục. Nghệ nhân Phạm Văn Roàn hy vọng đây sẽ là sản phẩm độc đáo, trở thành điểm nhấn và được đánh giá cao ở hội thi.

Du khách thích thú chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo từ cây cà phê của các nghệ nhân.

Thay vì đục đẽo, cắt ghép những thân gỗ cà phê lớn, thì nghệ nhân Ngô Hữu Dũng (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) lại ngồi “ung dung” mài, dũa tỉ mỉ những chi tiết nhỏ cho bức tranh từ gỗ cà phê của mình. Với ý tưởng làm đồ trang trí trong nhà, nghệ nhân đã sử dụng một thân cây cà phê có hai nhánh lớn làm khung để gắn ngôi nhà sàn, những con voi, cây cối… lên giữa thân cây, tạo thành một bức tranh phong cảnh về văn hóa và con người Tây Nguyên. Nghệ nhân Dũng cho biết, đối với việc làm tranh có thể sử dụng được tất cả các loại gỗ, nhưng phần nhiều ông vẫn gắn bó và lựa chọn thân cà phê, bởi nguyên liệu không khó tìm, làm đồ trang trí rất bền, khách hàng ưa chuộng. Sau khi sơ chế, phơi khô gỗ, nghệ nhân sẽ thực hiện vẽ mẫu, thiết kế cho từng khối hình. Mỗi khối sẽ được chia thành nhiều chi tiết nhỏ để thuận tiện cho việc mài những đường vân, họa tiết của chiếc thuyền, chiếc lá, vây cá…, sau đó ghép chúng tại thành bức tranh theo ý đồ của nghệ nhân. Để làm một bức tranh có chiều sâu, đường nét sắc sảo, tinh tế, nghệ nhân phải dồn hết tâm tư, tình cảm vào đó mới thể hiện được cái hồn, cái tình, sản phẩm toát lên vẻ đẹp tự nhiên, sinh động, khiến người xem như được sống trong không gian đó. Song, để có một bức tranh mê hoặc lòng người là không hề dễ dàng, cần phải có kinh nghiệm, kiên trì, tâm huyết và dấn thân với nghề.

Hòa chung không khí của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê đã quy tụ 53 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) tham gia dự thi, tạo nên sự phong phú trong cách thức chế tác, mới lạ trong từng sản phẩm. Là đơn vị tài trợ chính và Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch cộng đồng Kotam cho biết, hội thi đã tạo sân chơi bổ ích, giúp các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy sức sáng tạo, ứng dụng cao vào đời sống. Góp phần không chỉ nâng cao giá trị hạt cà phê, mà thân, gốc cà phê già cỗi cũng được tận dụng, mang lại nguồn thu cho người nông dân và các nghệ nhân chế tác. Tất cả các sản phẩm chế tác sẽ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng – Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam để giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng văn hóa của con người Tây Nguyên đến khách du lịch trong và ngoài nước.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.