Multimedia Đọc Báo in

Khởi động dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”

14:08, 19/04/2023

Sáng 19/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Khởi động dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”.

Tham dự Lễ khởi động có Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ.

h
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà phát biểu tại buổi lễ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 41 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; có 3 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Ngữ văn dân gian Khan (Sử thi); Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê huyện Cư M’gar; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông huyện Lắk.

Ngoài ra Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008.

Tuy nhiên, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng tồn tại chủ yếu qua hình thức truyền khẩu, một trong những loại hình dễ bị mai một, thất truyền. Do đó, loại hình di sản Không gian văn hóa cồng chiêng, sử thi, lời nói vần và các di sản văn hóa phi vật thể đang dần thu hẹp và mai một, cần được bảo vệ.

h
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng trao đổi tại lễ khởi động dự án.

Dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ với trị giá 55.000 USD, được triển khai thực hiện từ tháng 4/ 2023 đến tháng 12/2023.

Dự án tập trung triến khai các hoạt động cụ thể: tổ chức 1 lớp truyền dạy các kỹ năng cơ bản về Lời nói vần cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số người Êđê tại huyện Cư Mgar, 1 lớp truyền dạy đánh chiêng kết hợp dân vũ (múa xoang) truyền thống cho đồng bào dân tộc Gia Rai tại huyện Ea H’leo; cấp 1 bộ chiêng Gia Rai cho huyện Ea H’leo; 4 bộ chiêng Êđê cho các huyện Krông Năng, Cư M’gar, Thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột; cấp 124 bộ trang phục Êđê, Gia Rai truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu.

Bên cạnh đó, dự án thực hiện khảo sát, sưu tầm tại các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Năng, Thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột, từ đó sưu tầm, biên tập, in sách song ngữ Êđê và tiếng Việt về Lời nói vần của người Êđê...

h
Các nghệ nhân xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) diễn tấu cồng chiêng tại Lễ hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul năm 2023.

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà nhấn mạnh, việc triển khai Dự án không chỉ đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng theo cam kết trong hồ sơ đăng ký với UNESCO mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, truyền thống giữa nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Jeollabuk, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh được thiết lập từ năm 2017 đến nay. Do đó, các địa phương được tiếp nhận dự án cần tích cực phối hợp với các phòng, đơn vị thuộc Sở để rà soát và đề xuất đúng đối tượng tham gia các nội dung đạt hiệu quả; thường xuyên quan tâm, đôn đốc, tuyên truyền và tổ chức các hoạt động về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Huyền Diệu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.