Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn văn hóa: Nhìn từ chiếc vé tham quan

08:49, 16/04/2023

Quy định du khách đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) phải mua vé tham quan từ ngày 15/5/2023 đang khiến dư luận xôn xao, gợi lại sự việc dịp Tết Quý Mão ở Huế, du khách Thái Lan không vào thăm Đại Nội vì “vé đắt”. Phải chăng đã đến lúc, các nhà quản lý cần xem lại việc bảo tồn các giá trị văn hóa không chỉ bằng chiếc vé tham quan?

Thông tin từ chính quyền Hội An cho thấy, phương án tổ chức hoạt động phố cổ đưa ra giải pháp thu phí tham quan qua hình thức bán vé đã được địa phương ban hành từ năm 2012; vì vậy việc địa phương chấn chỉnh lại tình hình thu phí này nhằm tránh những thất thoát và nắm rõ nguồn thu cho kinh phí bảo tồn, duy tu phố cổ là cần thiết. Chủ trương địa phương cũng rất rõ ràng, có phân biệt các nhóm đối tượng mua vé, và không thu phí với người dân sở tại. Sẽ có lực lượng chức năng theo dõi để phát hiện, nhắc nhở những du khách hay người dân nơi khác đến Hội An cần mua vé tham quan.

Giải pháp từ bán vé tham quan?

Những giải thích trên có phần có lý, bởi đã 25 năm qua, đô thị cổ này đối diện những thách thức trong công tác trùng tu, bảo tồn di sản, nhất là với quần thể kiến trúc ở khu trung tâm. Không ai phủ nhận cần có nguồn thu phục vụ bảo tồn, phục chế di sản; song theo cộng đồng, giải pháp thu phí qua vé tham quan thể hiện bất cập trong tư duy của các cơ quan quản lý. Mở rộng ra, đây cũng là bài toán hóc búa mà các địa phương khác, cụ thể là cố đô Huế, cũng vấp phải khi muốn tạo nguồn tài chính bền vững để bảo tồn các di sản.

Một nhà tư vấn văn hóa nhìn nhận, sự bất cập này được thể hiện ở hai vấn đề.

Thứ nhất, chủ trương bán vé tham quan đã có hơn 10 năm đến nay vẫn lúng túng trong triển khai, buộc địa phương phải siết lại cách tổ chức, cho thấy có sự bất ổn, cần xem lại chính sách, không thể lý luận đã ban hành là phải làm cho được. Cần thấy không gian cuộc sống ở quần thể các di tích di sản Hội An là có người dân đang sinh sống, hoạt động. Nhà quản lý không thể khoanh vùng thu phí di sản trong không gian đó, phải tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt bình thường; mà đã phân biệt nhóm người này thu phí, nhóm kia thì không, sẽ không thể có sự hài hòa. Phải chăng đây là lý do khiến việc thu phí tham quan ở Hội An lâu nay bất thành, nhà quản lý nên điều chỉnh lại chính sách hợp lý hơn.

Thứ hai, địa phương muốn có nguồn tài chính phục vụ bảo tồn di sản, có thể áp dụng các biện pháp thu phí gián tiếp không qua bán vé. Lựa chọn này đã được một số đô thị di sản trên thế giới triển khai từ lâu, với ít nhất 3 giải pháp. Trước hết, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, tổ chức các dịch vụ trong vùng di sản để họ tăng thu nhập và thu phí gián tiếp theo đó. Tiếp đó, thực hiện quyền bản quyền di sản, như logo, hình ảnh, slogan với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có sử dụng, qua đó thu phí. Cuối cùng, mở quỹ bảo tồn với sự giám sát của cộng đồng, để các nhà hảo tâm quyên góp, và những người ủng hộ tham gia các chiến dịch, sự kiện, hoạt động ủng hộ quỹ. Theo đó, địa phương có thể huy động được nguồn tài chính ổn định mà không phải bán vé tham quan di sản.

Khu vực phố cổ Hội An được địa phương khoanh vùng thu phí tham quan.

Cần thay đổi quan niệm quản lý

Đối chiếu câu chuyện vé tham quan ở Hội An, với Huế, hay những khu vực có di sản khác tại Quảng Bình, Hà Nội…, có thể thấy công tác vận động tài chính bảo tồn di sản văn hóa không hề đơn giản. Những không gian sống trong vùng di sản luôn biến động, việc quản lý sẽ chỉ nên nhằm vận động chính người dân tham gia cùng, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực làm hư hại di sản mà thôi. Mọi động thái dựa vào giá trị di sản để buộc người dân phải chấp hành, phải nhượng bộ, nhất là đóng phí, rõ ràng sẽ gây phản ứng với dư luận.

Hơn nữa, nếu việc quản lý thu phí di sản được áp dụng những công nghệ mới, tiến hành số hóa các dữ liệu, dùng thiết bị công nghệ để nhận dạng người dân, du khách, khả năng kiểm soát sẽ tăng lên và chính xác hơn, tính thuyết phục sẽ cao hơn. Điều này sẽ xóa tan những nghi hoặc trong cộng đồng, khi nhìn thấy cách thức tổ chức thu phí qua bán vé tham quan một cách thủ công như Hội An đang tiến hành là dùng các đội tuần tra đi trên đường phố.

Xung đột chính yếu khi nhà quản lý muốn tiến hành thu phí bảo tồn di sản, vẫn là những câu hỏi trách nhiệm quản lý. Liệu việc thu phí có công bằng; nguồn phí thu được sử dụng làm gì, có minh bạch không, mức thu phí đưa ra có hợp lý không, đều là những vấn đề cần được nhà quản lý giải đáp tường tận. Đồng thời, để tiến hành thu phí, nhà quản lý có cam kết thực hiện, tổ chức được những hoạt động bảo tồn, duy tu di sản, bảo vệ môi trường sống, cảnh quan… để đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, người dân và du khách? Ngoài ra, công tác truyền thông của nhà quản lý có tích cực vận động được cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản, chứ không quan niệm trách nhiệm bảo tồn thuộc về Nhà nước hay tổ chức nào đó. Một khi nhà quản lý thực hiện được những yêu cầu này, số đông người dân chắc chắn sẽ ủng hộ việc thu phí và qua đó, lựa chọn được các giải pháp, kênh tổ chức thu phí hiệu quả, có thể không cần bán vé tham quan.

Tranh luận quanh chiếc vé tham quan phố cổ Hội An, hay mức phí mua vé tham quan Đại Nội Huế, các lăng tẩm ở Huế cho thấy cộng đồng rất quan tâm, tinh thần hợp tác bảo vệ di sản văn hóa trong xã hội ngày một tích cực hơn. Điều này khi nhìn lại những đô thị khác, cụ thể với Buôn Ma Thuột, rất cần thiết với các nhà quản lý. Những điểm tham quan tại đô thị cao nguyên hiện nay, như Bảo tàng Đắk Lắk, đình Lạc Giao, Nhà đày Buôn Ma Thuột… cần được quản lý, tổ chức, truyền thông như thế nào, để đảm bảo có được những nguồn thu phí bảo tồn bền vững, những giải pháp thu phí hài hòa bên cạnh cách thức truyền thống là bán vé tham quan.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc