Multimedia Đọc Báo in

Khơi mạch nguồn văn hóa đọc

05:49, 21/04/2023

Trong nhịp sống hối hả với vô vàn thú vui, không ít người đã quên đi việc đọc sách và giá trị của sách. Khơi mạch nguồn văn hóa đọc, nhiều gia đình, đơn vị, địa phương đã và đang nỗ lực lan tỏa vẻ đẹp của sách, cũng như xây dựng thói quen cho thế hệ trẻ bằng những tâm huyết, chân thành.

Mai một thói quen đọc sách

Nhớ về quãng thời gian còn là học sinh, khi sách hiếm và ít, chị Nguyễn Thanh Hoa (40 tuổi, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) bồi hồi: “Ngày ấy, chỉ cần mượn được bất cứ loại sách nào, chúng tôi cũng chăm chú đọc quên thời gian. Sách qua bao người đọc nên nhàu cũ, nhưng giá trị của nó thì luôn mới. Sách theo lũ học trò chúng tôi trong giờ giải lao. Sách có mặt nơi khói bếp cay xè, cả trong những buổi chăn trâu, tung tăng trên những cánh đồng của ngày hè bỏng rát. Giữa thời buổi hiếm hoi đồ chơi, không công nghệ hiện đại, sách luôn là nguồn vui không bao giờ biết chán!".

Đọc sách giúp mở mang chân trời tri thức trong mỗi người.

Cuộc sống hiện đại với nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn, sách mất dần vị thế, thói quen đọc sách vì vậy cũng không còn được duy trì trong nhiều gia đình, văn hóa đọc vì vậy mà cũng dần phai nhạt, nhất là trong giới trẻ. Không khó để nhận ra, ngay cả khi ngồi lại bên nhau, trẻ nhỏ, thậm chí người lớn cũng trở nên “lười” tương tác, chuyện trò, mà chỉ thích chọn một góc cầm điện thoại để xem - nghe - nhìn những gì mình thích.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, khi được hỏi dùng thời gian rảnh làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 36,7% xem phim và nghe nhạc; chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Theo lý giải, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến giới trẻ ít đọc sách, đó là không có thời gian (áp lực học hành căng thẳng, sử dụng Facebook) và đọc sách không có sự tương tác nên dễ gây nhàm chán.

Thắp những “ngọn lửa” yêu sách

Đâu đó trong các gia đình, cơ quan, đơn vị vẫn nỗ lực kích thích văn hóa đọc, để yêu thương từ sách được lan tỏa. Chị Trần Thanh Hương (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tập cho con làm bạn với sách từ khi còn rất bé. Chị kể, khi con chưa biết đọc thì chị mua sách về đọc cho chúng nghe mỗi ngày. Khi tụi nhỏ biết mặt con chữ, sách trở thành món quà tặng vào những dịp lễ, sinh nhật. Đây là cách mà gia đình chị duy trì bao năm không chỉ để dạy các con trân trọng món quà của cha mẹ mà còn giúp con nuôi dưỡng tình yêu đối với sách. Hai đứa nhỏ “nghiện” sách đến mức cả gian phòng đầy sách, rất ham đọc. Bất cứ buổi tọa đàm, trao đổi nào về sách, chỉ cần có cơ hội, các con đều tham gia nhiệt tình.

Tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều trang bị sách ở các phòng đọc, hoặc nhà truyền thống, thư viện để bồi đắp văn hóa đọc cho bộ đội. Hàng nghìn cuốn sách, báo, tạp chí đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ. Không chỉ vậy, vào những thời điểm đặc biệt, một số đơn vị còn tặng sách thay lời nhắn nhủ đến bộ đội.

Trẻ em hào hứng đọc sách tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Đơn cử, đầu năm 2023, trong dịp chia tay chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, Trung đoàn 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tặng họ những cuốn sách. Nói về món quà này, Thượng tá Cao Xuân Đức, Chính ủy Trung đoàn từng bộc bạch rằng, giá trị vật chất không nhiều nhưng trong từng cuốn sách được lựa chọn cẩn thận này, đơn vị mong dù đi đâu, làm gì, các chiến sĩ cũng sẽ tiếp tục sống đẹp, có bản lĩnh hóa giải mọi khó khăn, thử thách; mỉm cười với hạnh phúc, tương lai và hơn hết luôn luôn phát huy tốt phẩm chất bộ đội Cụ Hồ…

Ngày 21/4 hằng năm được lựa chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây cũng là thời điểm rất nhiều trường học, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần đọc sách.

Để thắp những “ngọn lửa” yêu sách, những ngày tháng Tư này, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động dành cho lứa tuổi học sinh. Không chỉ mang hàng nghìn cuốn sách đến tặng cho học sinh các trường học vùng sâu, vùng xa ở các huyện Buôn Đôn, Ea H’leo, M’Drắk; đơn vị còn phối hợp tổ chức tọa đàm “Chúng ta có thích làm nhà văn”; giới thiệu sách hay cho thiếu nhi; tổ chức cho học sinh gặp gỡ, giao lưu cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Bùi Tiểu Quyên, nhà văn Tống Phước Bảo…

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: "Thay vì chỉ mang sách đến một điểm trường nào đó, chúng tôi muốn thông qua các buổi talk show (chương trình trò chuyện) để các bạn trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh cảm nhận rõ hơn giá trị của sách và thêm yêu sách. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức thêm những buổi talk show nhằm lan tỏa giá trị của sách và để bố mẹ đồng hành nhiều hơn với con trong việc đọc sách, lựa chọn sách phù hợp với từng lứa tuổi, giai đoạn phát triển".

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.