Kể chuyện buôn làng bằng... tượng gỗ
Giữa trời nắng chang chang, nghệ nhân tạc tượng trẻ tuổi Y Ser Bkrông đầu trần vẫn say sưa đục đẽo, dường như anh để hết tâm trí vào tác phẩm của mình.
Y Ser chính là tác giả của nhiều tác phẩm tượng dân gian tạc trên các trụ cổng, trụ hàng rào, cánh cửa, cây nêu, cầu thang nhà dài, phù điêu... ở nhiều khu nhà vườn sinh thái tại TP. Buôn Ma Thuột. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những khuôn mặt đời, những bức tranh mang hơi thở cuộc sống sinh hoạt hiện lên, kể câu chuyện của buôn làng vô cùng sống động…
Y Ser Bkrông sinh năm 1985 tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) trong gia đình có bốn anh em trai. Lúc nhỏ Y Ser hay ngồi xem ông nội đục, đẽo cái cối, cái chày giã gạo. Quan sát ông làm, Y Ser cũng lượm các mẫu gỗ thừa ông bỏ ra để đục, gõ; nhiều lần gõ vào tay, rồi tay này ôm tay kia nhìn ông nội không dám khóc. Ông trông thấy chỉ cười rồi cầm tay chỉ Y Ser gõ từ từ cho quen, đến khi gõ chính xác mới gõ mạnh. Y Ser cứ đánh vật với các mẩu gỗ đến tháo mồ hôi, cho đến khi các bạn hú gọi đi chơi mới thôi.
Nghệ nhân Y Ser tạc tượng cho cầu thang nhà dài. |
Năm 2005, Y Ser đăng ký học nghề chạm, khắc gỗ tại Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk. Trong quá trình học nghề, Y Ser được các thầy dạy cách cầm đục, rồi kỹ thuật đục để không bị gãy, bị téc ở các chi tiết nhỏ, mỏng, dễ gãy, dễ vỡ; cách chọn đề tài, xây dựng ý tưởng, vẽ phác thảo trên gỗ… Sau hai năm học, Y Ser ra nghề và theo các thợ tạc tượng trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm. Anh bắt đầu làm bàn ghế từ các gốc cây tận dụng, tạc tượng Phật Di Lặc, bộ Tam đa Phúc, Lộc Thọ.
Năm 2008, Y Ser lập gia đình, có ba con gái. Gánh nặng phải làm kinh tế để nuôi gia đình, nhưng niềm đam mê tạc tượng gỗ trong bụng Y Ser vẫn như lửa cháy. Anh vừa đảm đương công việc nhà chu toàn, vừa sưu tầm, nghiên cứu văn hóa tượng nhà mồ, tượng dân gian. Anh tranh thủ bất cứ thời gian rảnh trong ngày và cả ban đêm để đục, gõ hoàn thành những bức tượng nhỏ theo ý tưởng của mình cho thỏa đam mê. Đây cũng là thời gian anh hoàn thành tác phẩm “Tình anh em” (được rất nhiều khách hỏi mua với giá cao nhưng Y Ser không bán) mà anh cho biết là hình ảnh thu nhỏ của anh em mình.
Năm 2015, Y Ser tham dự cuộc thi tạc tượng dân gian Tây Nguyên do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức. Tác phẩm “Đôi chân trần” của anh được Ban tổ chức đánh giá cao và trao tặng giải Nhì. Tác phẩm khắc họa hình ảnh người đàn ông với thân hình gầy gò, vác cái xà gạc lên rẫy - chính là hình ảnh người cha thân yêu đã ăn sâu vào tâm trí của anh từ ngày thơ bé. Năm 2017, anh tiếp tục dự thi tạc tượng dân gian; tác phẩm “Tâm tư già làng” được giải Khuyến khích. Tại cuộc thi đó, Y Ser và một số cá nhân nữa được UBND tỉnh Đắk Lắk trao bằng công nhận nghệ nhân.
Tác phẩm "Tình anh em" của nghệ nhân Y Ser. |
Qua các cuộc thi, Y Ser học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Anh được mời đi nhiều tỉnh thành trong cả nước như TP. Đà Lạt, TP. Đà Nẵng, tỉnh Gia Lai, Kon Tum… gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ nhân bậc thầy trên cả nước. Từ đó, nhiều người biết và thuê Y Ser tạc tượng dân gian đặt ở các khu sinh thái, cũng có khách ngoài tỉnh đặt hàng những tác phẩm khắc họa hình ảnh: Mẹ bồng con; ông, bà đi rẫy; tượng voi lớn, voi nhỏ; uống rượu cần; người già ngậm tẩu thuốc; phụ nữ địu con lên nương… gửi đi TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu.
Nhiều tác phẩm của Y Ser khiến thợ mộc lâu năm cũng phải trầm trồ. Như ở cổng chào một khu du lịch tại xã Ea Tu, chỉ trong hơn 3 tuần lao động, sáng tạo, Y Ser đã khắc họa 4 trụ cổng lớn cùng hai cây trụ ngang, mỗi cây dài đến hơn 10 m, nhiều bức tranh dân gian và đều có thể kể một câu chuyện về cuộc sống của buôn làng. Bắt đầu là tượng tráng sĩ tay cầm khiên, tay cầm giáo bảo vệ bình yên cho buôn làng; rồi cảnh buôn làng lễ hội, có người đánh chiêng, có vòng người nhảy múa, có người uống rượu cần, có cô gái đội quả bầu đựng nước, có ông già làng, miệng ngậm tẩu thuốc ngồi trầm tư… Qua khỏi cổng là cầu thang đực, cầu thang cái để bước lên nhà dài cũng được tạc hết sức sinh động hình ảnh đôi bầu vú và vầng trăng khuyết phía trên; con rùa thể hiện cho sự kiên trì, sức sống dẻo dai trường tồn và ngôi sao thể hiện cho ánh sáng dẫn đường.
Nghệ nhân Y Thái Êban (ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) trìu mến nói về người đồng nghiệp trẻ: “Y Ser Bkrông là nghệ nhân trẻ nhất, tài hoa nhất; trưởng thành nhờ siêng năng, chịu khó học hỏi, kết hợp tố chất bẩm sinh, giàu ý tưởng sáng tạo. Tượng dân gian không có mẫu, ý tưởng trong đầu, nghĩ thế nào làm thế đó… Y Ser có khả năng tái hiện đời sống buôn làng lên gỗ, khiến chúng trở nên sống động, kể câu chuyện của buôn làng cho bọn trẻ hôm nay và mai sau có thể hình dung ra rừng cây, bến nước và cuộc sống thanh bình của buôn làng…”.
Nghệ nhân Y Ser say mê tạc tượng. |
Y Ser cho biết, hiện nay anh đi làm theo sự mời gọi của khách hàng ở khắp nơi, thu nhập bình quân cũng hơn 30 triệu đồng/tháng. Đi đâu anh cũng để mắt tìm kiếm những thanh niên trẻ đam mê nghề tạc tượng để truyền nghề, nhưng chưa thấy. Một số thanh niên trong buôn cũng từng theo nhưng vài bữa lại bỏ vì vẫn còn ham chơi, chưa có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Cùng với gia đình, anh mở ra khu lưu trú và trải nghiệm Homestay HNOH EAKAO (suối Ea Kao) phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến với du khách trong và ngoài nước.
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc