Multimedia Đọc Báo in

“Nụ hôn đầu” giữa Trường Sơn

08:35, 24/05/2023

Nụ hôn đầu

Nụ hôn đầu tôi không tặng người yêu

Mà tặng cho một người con gái

Mười bảy tuổi bước qua thời vụng dại

Khoác trên mình chiếc áo màu xanh.

 

Những ai từng đi qua chiến tranh

Chắc biết những trận bom tọa độ

Cả cánh rừng tan hoang loang lổ

Sau trận bom hủy diệt bạo tàn.

 

Khi khói bom nồng nặc chưa kịp tan

Người còn sống ra khỏi nơi ẩn nấp

Không sợ hãi, không vội vàng hấp tấp

Tiếp tục làm nhiệm vụ được trên giao.

 

Trước mắt tôi dưới gốc cây sao

Đang quằn quại một cô gái trẻ

Máu loang khắp tấm thân mảnh dẻ

Chân đứt lìa đã buộc chặt ga-rô.

 

“Đừng... đưa... em đi, không... kịp... nữa... mô

Máu... đã cạn..., em... không còn... sức... nữa

Em... lạnh lắm... Hãy... ôm em... Em tựa

Em... nhờ anh... chuyển giúp... mẹ... vài lời...!!!”

 

Lời cuối cùng em nhắn Mẹ qua tôi

Nghe thoảng như những lời của gió

“Anh ơi..., em... người yêu... chưa có...

Phút... lìa đời... em muốn... được... anh hôn...”

 

Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn

Em gái xung phong tuổi vừa mười bảy

Đang lạnh dần trong tay tôi run rẩy

Mà trên môi thoảng nhẹ một nụ cười!

Trần Thanh

Để có cuộc sống tươi đẹp, yên bình hôm nay, chúng ta phải ôn lại quá khứ rất đỗi hào hùng, vẻ vang của dân tộc và không thể không nhắc nhớ đến thế hệ cha anh đã quên mình vì Tổ quốc. Bài thơ “Nụ hôn đầu” được tác giả Trần Thanh viết năm 1966 là một trong rất nhiều bài thơ mang giá trị lịch sử chân thực và giá trị nhân văn sâu sắc.

Trần Thanh là một chiến sĩ giải phóng quân. Bài thơ được ông viết trên một đoạn đường Trường Sơn vào thời kỳ khốc liệt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Nụ hôn đầu tôi không tặng người yêu/ Mà tặng cho một người con gái / Mười bảy tuổi bước qua thời vụng dại/ Khoác trên mình chiếc áo màu xanh.

Nụ hôn đầu luôn là kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng của tình yêu nam – nữ. Ai cũng dành nụ hôn đầu cho ai đó với tình cảm đặc biệt nhất – là người mình yêu. Nhưng trong trường hợp này, tác giả - người chiến sĩ quân giải phóng đã giải thích lý do nụ hôn đầu anh không tặng người yêu mà lại dành cho một người con gái xa lạ không quen biết gặp trong tình huống bất ngờ: một cô thanh niên xung phong mới mười bảy tuổi xuân bị trúng bom sau một trận bom “hủy diệt bạo tàn”: Những ai từng đi qua chiến tranh/ Chắc biết những trận bom tọa độ/ Cả cánh rừng tan hoang loang lổ/ Sau trận bom hủy diệt bạo tàn. Khi khói bom nồng nặc chưa kịp tan/ Người còn sống ra khỏi nơi ẩn nấp/ Không sợ hãi, không vội vàng hấp tấp/ Tiếp tục làm nhiệm vụ được trên giao.

Tác giả - người lính Trường Sơn đang đối diện một hiện thực trước mắt: Trước mắt tôi dưới gốc cây sao/ Đang quằn quại một cô gái trẻ/ Máu loang khắp tấm thân mảnh dẻ/ Chân đứt lìa đã buộc chặt ga-rô. Nữ thanh niên xung phong bị thương nặng, biết mình không thể qua khỏi, chỉ có thể gửi gắm những lời cuối cùng cho ai đó đang bên cạnh mình: “Đừng... đưa... em đi, không... kịp...n ữa... mô/ Máu... đã cạn..., em... không còn... sức... nữa/ Em... lạnh lắm... Hãy... ôm em... Em tựa/ Em... nhờ anh... chuyển giúp... mẹ... vài lời...!!!”

Cận kề cái chết, cô gái  ấy nhớ đến người mẹ - tình chung - tình mẫu tử thiêng liêng bởi cô biết mình không còn cơ hội nào nữa để trở về với mẹ: Lời cuối cùng em nhắn mẹ qua tôi/ Nghe thoảng như những lời của gió/ Anh ơi..., em... người yêu... chưa có.../ Phút... lìa đời... em muốn... được... anh hôn...”

Và tình riêng của cô gái mười bảy tuổi là “người yêu... chưa có...” khiến chúng ta nghẹn ngào xúc động. Người chiến sĩ hôn cô gái “đang lạnh dần run rẩy” - nụ hôn đau thương, nụ hôn trong nước mắt tiễn biệt. Và người con gái ấy ra đi thanh thản “thoảng nhẹ nụ cười” – nụ cười mãn nguyện bởi đã cống hiến trọn ven tuổi xuân cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc: Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn/ Em gái xung phong tuổi vừa mười bảy/ Đang lạnh dần trong tay tôi run rẩy/ Mà trên môi thoảng nhẹ một nụ cười...

Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình gần nửa thế kỷ. Những cô gái, chàng trai ngày đó nếu còn sống cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Họ đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, cho hòa bình của đất nước; nhưng họ vẫn sống mãi với tuổi mười bảy – tuổi đẹp nhất của cuộc đời trong tâm trí, sự tri ân của thế hệ trẻ hôm nay.

Nguyễn Thị Vân Lam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.