Multimedia Đọc Báo in

Thăng hoa cảm xúc cùng đêm thơ Klei Khan Lê Vĩnh Tài 

11:36, 28/05/2023

Tối 27/5, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk tổ chức chương trình đêm thơ Klei Khan Lê Vĩnh Tài tại buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột).

Chương trình với nội dung trình diễn tác phẩm trường ca “Vỡ ra mưa ấm” của tác giả Lê Vĩnh Tài. Tham dự đêm thơ có đồng nghiệp, các văn nghệ sĩ cùng đông đảo công chúng yêu thơ.

Trường ca “Vỡ ra mưa ấm” của Lê Vĩnh Tài, gồm 14 chương với hơn 6.500 chữ, được Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản cách đây 18 năm (năm 2005); là bản trường ca của một người con của Tây Nguyên, yêu xứ sở hơn máu thịt. Đó là những tâm tư, tình cảm, những thổn thức tình yêu của tác giả với vùng đất, với con người; khi cuồn cuộn, dữ dội mà đau đáu, khi nhớ nhung triền miên mà lặng lẽ, miên man đến vô cùng…

Tác giả Lê Vĩnh Tài (bìa trái) trình diễn tác phẩm trường ca “Vỡ ra mưa ấm” cùng các nghệ sĩ.

Trong đêm thơ, tác phẩm được giới thiệu trở lại với công chúng qua sự thể hiện của chính tác giả và những người bạn trong một không gian ấm cúng và đậm chất Tây Nguyên.

Tại chương trình, đan xen trong những vần thơ và những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, đưa khán giả đắm chìm trong không gian của thi ca, âm nhạc, nghệ thuật với sự thăng hoa và cảm xúc.

Các văn nghệ sĩ, đồng nghiệp, người thân chia sẻ niềm vui cùng tác giả Lê Vĩnh Tài.

Được biết, tác giả Lê Vĩnh Tài (sinh năm 1966), hiện sinh sống tại TP. Buôn Ma Thuột. Ông đã in 8 tập thơ và trường ca như: “Hoài niệm chiều mưa”, “Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió”… Cùng niềm yêu thơ bất tận và nguồn sáng tạo không mỏi mệt, thi sĩ Lê Vĩnh Tài đã tạo được những dấu ấn riêng trong lòng người yêu thơ; đồng thời, ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cao như: Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chư Yang Sin, tặng tưởng của Tạp chí Sông Hương…

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.