Multimedia Đọc Báo in

Kể chuyện đời qua ống kính…

08:30, 25/06/2023

Rong ruổi trên mọi hành trình, các nghệ sĩ nhiếp ảnh không chỉ tạo riêng mình khối tài sản khổng lồ về ảnh, mà còn góp phần kể những câu chuyện đời sống động, hấp dẫn cùng muôn vàn buồn, vui về nghề.

Trên miền đất đỏ bazan đầy nắng gió này, không khó để bắt gặp các nghệ sĩ cùng chiếc máy ảnh miệt mài săn tìm các khoảnh khắc cuộc sống. Ví như tại các mùa lễ hội, sự kiện trọng đại của địa phương, các nghệ sĩ không ngại ngược xuôi, chạy đua theo từng hoạt động dù diễn ra ở TP. Buôn Ma Thuột, ngược lên biên giới Buôn Đôn, hay xuôi về huyện Lắk. Ngay giữa cuộc sống bình thường, những “tay máy” cũng dành nhiều tâm sức, lang thang đó đây, thức khi bình minh chưa dậy hay “săn” khoảnh khắc giữa đêm khuya. Rong ruổi với những hành trình, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã góp phần làm nổi bật thêm phong cảnh trữ tình của quê hương; nét đẹp văn hóa đặc trưng của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên qua những lễ cúng, chăm sóc sức khỏe, thân thiện với voi nhà... Hay chỉ giản đơn là ghi lại những nụ cười được mùa tiêu, cà phê, sầu riêng và vô vàn khoảnh khắc khác trong nhịp sống đời thường.

Nghệ sĩ Trần Thị Mùi trong lần "săn ảnh" tại biên giới Đắk Lắk.

Nghệ sĩ Trần Thị Mùi (TP. Buôn Ma Thuột) kể, cách đây ít năm, tỉnh tổ chức cho đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh Đắk Lắk đi công tác Tây Bắc 12 ngày. Chuyến đi ấy thấm đẫm sợ hãi, mệt mỏi, lo lắng và cả niềm hạnh phúc ngập tràn. Để tận thấy toàn bộ ngọn đồi mâm xôi ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cả đoàn phải leo lên một ngọn đồi khác, ở vị trí cao nhất. Đáng nói, đường lên vị trí này là những con dốc đứng gần 90 độ, đường nhỏ hẹp, phải thuê xe máy thồ có xích gắn lốp để vượt qua các vòng dốc gấp khúc, ngặt nghèo. Hành trình 12 ngày lăn lộn với đất trời Tây Bắc, nhưng đổi lại là những khung hình đẹp đến say đắm lòng người, tạo nên nguồn vui, đốc thúc người chụp cứ đi và đến…

Nhiều nghệ sĩ chia sẻ, không có một mốc thời gian cố định, một địa điểm cố định nào cho bức ảnh, cùng là một sự kiện, nhưng mỗi người lại có những lựa chọn thân máy, ống kính, góc chụp, ánh sáng, cách tiếp cận  trung - cận - toàn cảnh khác nhau. Bởi thế, đôi khi cùng thực hiện bộ ảnh gia đình hạnh phúc, nhưng mỗi “tay máy” lại lựa chọn những khuôn hình, nét mặt, góc cạnh khác của nhân vật. Cái hay là ở chỗ, những điểm sáng của mọi thành viên trong gia đình, thần thái hay hậu cảnh, tiền cảnh của toàn bộ ảnh đều được nhóm nghệ sĩ chọn lựa, “ăn khớp” với chủ đề muốn truyền tải. Hay như cùng đi “săn ảnh” tại lễ hội đua xe, các nghệ sĩ có thể sáng tác nên hàng nghìn bức, với những khuôn hình có không gian, sắc thái khác biệt.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương trong lần tác nghiệp tại biên giới Đắk Lắk.

Khi đam mê “ngấm” vào máu, người nghệ sĩ không chỉ được thỏa tình yêu với nghề, mà còn góp phần làm đẹp thêm lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Có thế mạnh về chụp ảnh cận cảnh và chân dung, nghệ sĩ Vũ Duy Thương (TP. Buôn Ma Thuột) luôn nhận được sự yêu mến và đánh giá cao từ người thưởng lãm. Đơn cử như năm 2022, bộ ảnh chụp 14 chân dung mang chủ đề “Sắc màu Tây Nguyên” đã lột tả được vẻ đẹp, thần thái của các dân tộc anh em trên địa bàn. Bộ ảnh này được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá cao và tài trợ sáng tác. Cũng trong năm này, bức hình người mẹ đang chuyện trò cùng đứa trẻ vài tháng tuổi do anh chụp đã giành Huy chương bạc Quốc tế. Bức ảnh với tên gọi “Tình yêu của mẹ - Mother's love còn được triển lãm quốc tế tại Nhật Bản và TP. Đà Lạt. Ngoài ra còn rất nhiều bức ảnh cận cảnh voi, người lao động, trẻ em, người già… của anh được giới chuyên môn đánh giá cao.

Bức ảnh bộ đội biên phòng huấn luyện bơi vượt sông trên biên giới tác phẩm "Tình yêu của mẹ" do nghệ sĩ Vũ Duy Thương thực hiện. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trải nghiệm và lăn lộn với nghề giúp nhiều nghệ sĩ xây dựng cho mình một nguồn “vốn” kha khá. Đó không chỉ là kho ảnh đồ sộ, mà còn là vốn sống quý giá, những điều học hỏi, trải nghiệm trong suốt quá trình kể nhịp đời bằng ống kính. Luôn thế, tình yêu nhiếp ảnh vẫn cháy mãi trong mỗi người, thôi thúc họ tiếp tục lưu giữ những khoảnh khắc của cuộc sống.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.