Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc lớp diễn xướng truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần (Klei Duê) của người Êđê

16:35, 22/06/2023

Chiều ngày 22/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Cư M’gar tổ chức khai mạc lớp diễn xướng truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần (Klei Duê) của người Êđê (Lớp truyền dạy lời nói vần) tại xã Cuôr Đăng.

Tham gia lớp học có 22 học viên là người Êđê yêu thích các thể loại ngữ văn dân gian, đặc biệt là lời nói vần đang sinh sống trên địa bàn xã Cuôr Đăng.

Trong thời gian gần 2 tháng (từ ngày 22/6 – 20/8), các nghệ nhân sẽ truyền dạy cho học viên những nội dung về ngữ văn dân gian, về giá trị văn hóa phi vật thể và kỹ năng khi thực hiện diễn xướng, ca hát về lời nói vần; giới thiệu những bài hát sử dụng lời nói vần được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày…

Các học viên tham gia Lớp diễn xướng truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần (Klei Duê) của người Êđê tại xã Cuôr Đăng.

Ngữ văn dân gian “Lời nói vần của người Êđê” (huyện Cư M’gar) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Đây là niềm vinh dự và tự hào của huyện Cư M’gar nói riêng và của cả đồng bào dân tộc Êđê nói chung.

Lớp truyền dạy lời nói vần sẽ phần nào giúp địa phương phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu, góp phần tăng cường trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ để tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghệ nhân Y Tum Ayun (thứ 2 bìa trái) hướng dẫn nội dung về lời nói vần cho các học viên.

Được biết, kinh phí tổ chức Lớp truyền dạy nằm trong Dự án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (Dự án) do Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ.

Dự kiến, nằm trong khuôn khổ Dự án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục trao tặng 1 bộ chiêng Knah và trang phục thổ cẩm truyền thống của người Êđê cho các buôn trên địa bàn huyện Cư M’gar; thực hiện sưu tầm và biên tập, phát hành sách lời nói vần để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo. 

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.