Multimedia Đọc Báo in

Tìm về cội nguồn dân tộc Phu Thay

08:31, 25/06/2023

Dân tộc Phu Thay là một nhánh của dân tộc Thái có mặt ở các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, vùng Tây Song Bản Nạp thuộc Trung Quốc.

Ở Lào, người Phu Thay sinh sống ở các tỉnh miền Trung và Nam Lào như Bolikhamxai, Savannakhet, Khammuan, Salavan, Xieng Khouang và Champasak; ở Thái Lan, khu vực định cư của người Phu Thay ở các tỉnh Sakon Nakhon, Kalasin, Mukdahan, Nakhon Phanom, Udon Thani, Yasothon, Amnat Charoen và Roi Et.

Ở Việt Nam, người Phu Thay là một phần của dân tộc Thái, cùng chung những người nói các ngôn ngữ Thái Tây Nam, chủ yếu định cư ở các tỉnh Bắc Trung bộ như Hà Tĩnh và Nghệ An, khu vực giáp biên giới với Lào. Điều thú vị là dù ở Việt Nam, Lào hay Thái Lan thì người Phu Thay đều có cùng một niềm tin rằng nơi phát tích tổ tiên, cội nguồn của họ là bản Na Nọi Ọi Nủ, nay thuộc Mường Thanh, Điện Biên, Việt Nam.

Trang phục phụ nữ Phu Thay tại Điện Biên.

Trong hành trình tìm về cội nguồn người Phu Thay, chúng tôi đã đến bản Na Xang, thuộc xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Quan sát đời sống sinh hoạt của người Lào ở đây, chúng tôi thấy được nét gần gũi quen thuộc với người Phu Thay ở Lào và Thái Lan. Chẳng hạn, về tục cưới xin, nếu như người Thái đen có tục chú rể phải ở nhà cha mẹ vợ trước khi rước dâu về thì người Lào ở Na Xang cũng giống người Phu Thay, đó là cô dâu phải đến nhà chú rể. Trước khi đám cưới phải có ông mai, bà mối (gọi là phò xừ, mè xừ). Trong gánh đồ lễ mà nhà chú rể mang đến nhà cô dâu cũng có trứng và tiền, có bánh chưng giống đồ lễ trong đám hỏi ở người Phu Thay ở Thái và Lào. Ngoài ra, vật dụng trong nhà, trang phục, hoa văn thổ cẩm của người Lào Na Xang có những đặc điểm giống hầu hết với người Phu Thay Thái Lan.

Sự khác biệt lớn nhất giữa người Lào miền núi phía Bắc Việt Nam với người Phu Thay Thái Lan là trang phục. Phụ nữ Lào mặc áo ngắn, váy dài quá ngực, gọi là "xịn lửa, xựa bò pho" (váy thừa, áo thiếu), còn người Phu Thay ở Lào và Thái Lan thì mặc áo dài đến eo, váy từ eo đến mắt cá chân, có tấm khăn thổ cẩm choàng vai.

Nam nữ Phu Thay uống rượu giao duyên.

Theo các cụ cao niên, người Lào ở Mường Luân lẽ ra có tên tự gọi là Phu Thay, nhưng vì có người Lào di cư từ Luổng Pha Bang và Hủa Phăn đến chung sống; vả lại, danh từ Phu Thay nghe giống như Phu Tay (người Thái) cho nên đã gọi Phu Thay là Phu Lao. Trải qua nhiều năm tháng, dần dần cái tên Phu Lao (người Lào) trở nên quen thuộc và được sử dụng phổ biến như ngày nay.

Người Phu Thay đã từ Mường Thanh thiên di đi khắp chốn. Theo truyền thuyết về quả bầu tiên và truyền thuyết về Khun B-rốm thì người Phu Thay cổ đã từ nơi này đi đến Mường Phuôn – Xiêng Khoảng,  Luổng Pha Bang (Lào) rồi đến Sụ Khổ Thay và Ayothya (Thái Lan). Theo dòng suy tưởng, tôi băn khoăn tự hỏi: Cách đây hàng nghìn năm, bản Mường người Phu Thay ra sao? Con người sướng khổ thế nào? Và những đêm trăng thanh gió mát, bên guồng quay sợi của một góc hạn khuống nào đó, chàng trai Phu Thay có thổi khèn bày tỏ tâm tình với người thiếu nữ mình thầm thương?...

    Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.