Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nét văn hóa Mường ở Ea Păl

09:30, 05/07/2023

Hơn 40 năm định cư ở vùng đất mới, cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, bà con người Mường ở xã Ea Păl (huyện Ea Kar) còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và phong phú trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Đình Nhanh, người sinh sống ở xã Ea Păl gần 30 năm qua, đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn xã hiện có khoảng 700 người, sống rải rác ở hầu hết các thôn, trong đó nhiều nhất là ở thôn 9 với hơn 300 người. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, người Mường ở đây không quên giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Hiện nay xã đang duy trì Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Mường, thường xuyên sinh hoạt, tập luyện văn nghệ, tham dự các chương trình, sự kiện tại địa phương...

Ông Phạm Văn Nhường giới thiệu về di sản Mo Mường.

Gia đình ông Phạm Văn Nhường (thôn 9) là một trong những hộ còn lưu giữ được hầu hết những nét văn hóa của người Mường tại nơi đây. Ngôi nhà sàn truyền thống được gia đình ông Nhường dựng từ rất lâu vẫn vững chãi, là nơi gặp gỡ của biết bao con người xa quê. Trong nhà có những vật dụng truyền thống như đồ sinh hoạt, vật dụng lao động, chiêng… vẫn được giữ gìn. Giới thiệu về chiêng, ông Nhường cho hay, đó không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Mường. Cồng chiêng chỉ được sử dụng trong những lễ hội quan trọng. Bởi vậy, khi giới thiệu chiêng, ông Nhường trân trọng nâng niu chứ không đánh, vì “nghe tiếng chiêng bà con sẽ kéo đến rất đông…”, ông Mường vui vẻ nói.

Trang phục cũng là một trong những nét văn hóa được bà con trân trọng gìn giữ. Dù không cầu kỳ, nhiều màu sắc nhưng trang phục của người Mường mang đặc trưng về cách tạo hình và thẩm mỹ. Khi khách đến thăm nhà, bà Lê Thị Điền (thôn 9) mang những xấp vải, quần áo truyền thống đã được gìn giữ qua nhiều năm tháng và tự hào giới thiệu từ chất liệu đến công dụng đặc trưng của từng loại vải. Niềm vui được chia sẻ về truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình hiện rõ trên đôi mắt của bà Điền.

Cùng với cồng chiêng, trang phục, gìn giữ điệu múa sạp, múa quạt, người Mường nơi đây còn lưu giữ nền ẩm thực phong phú với những nguyên liệu được lấy từ rẫy, rừng như cá nướng, xôi màu, thịt hun khói, măng rừng...

Đặc biệt, đồng bào Mường còn sở hữu di sản văn hóa độc đáo Mo Mường. Đây là nghi lễ dân gian có tính thiêng được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu mạnh khỏe của người Mường. Hiện di sản văn hóa Mo Mường đang được xây dựng hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.

Bà Lê Thị Điền diện trang phục truyền thống.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã tổ chức chương trình kiểm kê về di sản văn hóa Mo Mường của người Mường trên địa bàn tỉnh. Xã Ea Păl may mắn vẫn còn lưu giữ được di sản này, còn hai thầy Mo và hai thầy phụ. Là thầy phụ Mo, ông Bùi Văn Thử bày tỏ niềm vui khi biết rằng một trong những bản sắc văn hóa của dân tộc Mường đã và đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Ông sẽ cùng với những thầy Mo, thầy phụ, những người am hiểu về văn hóa Mường tiếp tục sưu tầm, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa tốt đẹp này.

Ông Nguyễn Khắc Đáng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Păl cho biết, trên địa bàn xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống như người Tày, Thái, Mường… Cũng như những dân tộc khác, người Mường nơi đây vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo. Chính quyền luôn khuyến khích, tạo điều kiện để bà con thành lập câu lạc bộ và sinh hoạt, hỗ trợ để bà con vừa phát triển kinh tế, vừa phát triển đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.