Multimedia Đọc Báo in

“Sợi dây” cộng cảm từ buôn làng

21:57, 26/07/2023

Những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức từ làn sóng hội nhập và “cơn lốc” của công nghệ 4.0. Trong quá trình đó thì việc bảo tồn sẽ như thế nào và đâu là không gian sống cho những giá trị quý báu ấy?

Hội tụ những giá trị nhân văn

“Sợi dây” kết nối của đồng bào Tây Nguyên là văn hóa cộng đồng. Dĩ nhiên, “sợi dây” gắn kết cộng đồng này không dễ có được, mà được tích lũy, vun đắp từ bao đời, làm nên bản sắc riêng của dân tộc mình.

Lễ hội truyền thống, nơi hội tụ những giá trị nhân văn, tốt đẹp trong đời sống xã hội của đồng bào các dân tộc, trong đó giá trị tiêu biểu nhất là sự gắn kết cộng đồng, làm tình người trở nên bền chặt hơn. Hiện không ít buôn làng vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống. Và chính ở những nơi này, việc bảo tồn văn hóa thu được nhiều kết quả tích cực. Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê đăng được tổ chức vào ngày 1/1 hằng năm ở buôn H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M'gar) là sự minh chứng sống động nhất.

Đồng bào Xê Đăng ở huyện Cư M’gar múa xoang trong lễ hội mừng lúa mới.

Cứ mỗi lần tổ chức, sinh hoạt lễ hội, mỗi người dân trong buôn trở nên “đa năng”. Trước ngày hội lớn, bà con trong buôn chuẩn bị vật dụng, lương thực, thực phẩm, trang trí khu vực lễ... Đàn ông đảm trách việc nặng nhọc như đốn tre, chặt củi, còn phụ nữ chăm lo bếp núc, trang trí. Đến ngày mở hội, ai có gì góp nấy, nhà góp con gà, ký thịt heo, nhà vài cân nếp rẫy, ché rượu cần. Kết thúc phần nghi lễ, mọi người háo hức vào phần hội. Họ bày thức ăn, nước uống đã chuẩn bị trước đó để cùng nhau ăn uống, hát hò, múa xoang... Khi có chút men say của rượu cần, họ nhảy múa, hát ca hòa cùng nhịp chiêng,... Tất cả cứ diễn ra tự nhiên không hình thức, phô trương, cũng chẳng phải là “diễn” lại một nghi lễ nào đó, mà cứ thế hồn nhiên, đắm say tận hiến cho vốn văn hóa ở buôn làng thêm phần bản sắc. Đó là biểu hiện của tinh thần cộng đồng, cũng là giá trị lớn nhất mà lễ hội mang lại.

Ông Y Wem H’wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar chia sẻ, không cách nào bảo tồn văn hóa tốt hơn là dựa vào chính cộng đồng để truyền giữ và phát huy. Chính quyền địa phương không can thiệp sâu mà chỉ hỗ trợ kinh phí, công tác an ninh, hậu cần... còn lại cứ để bà con tái hiện chân thật lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Khi mà chủ thể của văn hóa lễ hội được phát huy tối đa cũng là dịp để cộng đồng cùng tham gia, cộng cảm. Nhờ tổ chức đều đặn nên nhiều lễ hội truyền thống được du khách biết đến và bị cuốn hút bởi việc trải nghiệm lễ hội do chính bà con thực hiện.

Nhân lên những giá trị văn hóa

Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49 dân tộc cùng sinh sống, có nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu. Tỉnh Đắk Lắk xác định, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa của địa phương, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là trung tâm, là chủ thể của mọi hoạt động. Trong nỗ lực giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2016 đến nay, ngành văn hóa địa phương đã phối hợp tổ chức hơn 130 nghi lễ, lễ hội và ngày hội truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với cồng chiêng.

Hòa cùng nhịp xoang trong lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê Đăng ở huyện Cư M’gar.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giao lưu văn hóa mở rộng, đặc biệt là sự tác động của những yếu tố ngoại lai thì việc bảo tồn văn hóa đứng trước nhiều thách thức lớn hơn. Đó là nguy cơ mai một của những giá trị truyền thống, hòa tan trước xu thế hội nhập mới.

Từ thực tiễn công tác bảo tồn văn hóa ở địa phương cho thấy, muốn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, những nét đẹp truyền thống của dân tộc một cách bền vững thì phải dựa vào cộng đồng. Không có nỗ lực nào tốt hơn bằng chính việc đưa người dân thực sự tham gia vào quá trình bảo tồn, khơi gợi lên ý thức của người trong cuộc. Nếu không có người dân tham gia – chủ thể quan trọng nhất – vào việc bảo vệ, bảo tồn thì khó giá trị văn hóa nào có thể lưu giữ được. Chính họ là chủ thể khắc họa đậm nên dấu ấn lịch sử, thể hiện đậm nét những giá trị văn hóa của dân tộc mình và cũng là người thụ hưởng văn hóa. Họ tự gìn giữ, tự phát huy, khơi dậy nội lực tiềm tàng và “nối dài” sợi dây đoàn kết ở buôn làng. Đồng thời, gợi lên nhiều xúc cảm tốt đẹp cho những người cùng tham gia.

Mục tiêu của tỉnh là phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Muốn vậy cần có không gian để sự gắn kết ấy thêm bền chặt, mang lại những cộng cảm trong cộng đồng. Những lễ hội truyền thống còn truyền giữ, chính là nơi tạo dựng không gian thực hành cho văn hóa của dân tộc. Hay nói một cách khác hơn, toàn bộ hệ giá trị văn hóa truyền thống được sáng tạo, phát huy, thụ hưởng và trao truyền trong không gian ấy. Bởi lễ hội truyền thống chính là không gian tập hợp sống động và đầy đủ nhất các yếu tố văn hóa, tinh thần chứa đựng trong đó các giá trị của một tộc người. Nơi đó hội tụ nhiều yếu tố cốt lõi để có thể nhận diện bản sắc của mỗi dân tộc, bao gồm phong tục, tập quán, tín ngưỡng, âm nhạc, vũ điệu, trang phục, ẩm thực... Lễ hội là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa này.

Cuộc sống luôn thay đổi, thậm chí quá nhanh chóng và phức tạp, những gì của ngày cũ sẽ khó bảo tồn nếu không được “nhắc lại” một cách sống động và "có linh hồn" như thế. Khi không còn không gian thực hành thì những giá trị văn hóa quý giá sẽ khó có điều kiện bảo tồn, phát huy. Do đó, nếu nuôi dưỡng và phát huy được yếu tố cộng đồng sẽ là "gốc rễ" bền chặt để sắc thái cội nguồn được bảo tồn, “bám rễ” trong đời sống hiện đại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc