Multimedia Đọc Báo in

Thăm di tích lịch sử bên dòng Hàn giang

09:20, 16/07/2023

Di tích lịch sử cấp quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh nằm giữa bốn tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu và Lê Đại Hành, phường Nam Dương, quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng).

Do di tích ở vị trí trung tâm đô thị, cách cây cầu Rồng nổi tiếng vắt ngang sông Hàn vài chục mét nên nhiều du khách trong và ngoài nước có điều kiện thuận lợi ghé thăm. Họ tìm đến đây không phải để chiêm ngưỡng những giá trị cổ vật vĩnh hằng với thời gian mà để hiểu hơn về truyền thống xả thân vì lòng yêu nước của bao nghĩa sĩ tiền nhân.

Sự hiện diện của di tích này từ sự khởi đầu chiều 31/8/1858, liên quân viễn chinh Pháp - Tây Ban Nha điều 14 chiến hạm và hơn 2.350 quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đô đốc Rigaultde Genouilly cùng nhiều loại vũ khí hiện đại, tối tân đến neo đậu tại vịnh Đà Nẵng. Sáng 1/9/1858, Đô đốc liên quân gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Trần Hoàng (triều nhà Nguyễn), đóng dinh thự tại Đà Nẵng buộc phải đầu hàng vô điều kiện và chỉ được phép phúc đáp trong vòng 2 giờ. Yêu cầu này không được đáp ứng, thế là những nòng pháo hạng nặng từ các chiến hạm ngoài biển thi nhau nã vào các làng cá Nại Hiên, Nam Thọ, An Hải, An Đồn ở phía đông và phố xá bên bờ tây sông Hàn.

Nhà dựng tấm bia cổ ngợi ca sự hy sinh của các binh sĩ triều Nguyễn.

Sau những đợt phi pháo dọn đường nhằm làm tê liệt sức kháng cự của quân dân ta, liên quân Pháp - Tây Ban Nha liền đổ bộ lên bờ, đánh chiếm thành An Hải rồi nhanh chóng khống chế toàn bộ địa bàn bán đảo Sơn Trà. Sáng 2/9/1858, chúng tràn qua phía Tây, tấn công vào thành Điện Hải, thu giữ 450 khẩu đại bác rồi nhanh chóng rút về lại Sơn Trà tiếp tục đánh chiếm Mỹ Thị, Cẩm Lệ.

Biết thành Điện Hải bị thất thủ, vua Tự Đức triệu hồi ngay tướng Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Nam Kỳ và Tổng đốc tỉnh Định Tường - Biên Hòa Phạm Thế Hiển ra Đà Nẵng, Quảng Nam. Nguyễn Tri Phương được giao làm Thống chế Quân vụ Quảng Nam, Phạm Thế Hiển làm Tham tán Quân vụ Đà Nẵng. Cả hai vị tướng đều tập trung chỉ huy lực lượng đánh trả hàng chục đợt tấn công của địch. Vừa chặn đánh để bảo vệ trung tâm Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển vừa huy động nguồn lực để đắp thành lũy phòng tuyến, tạo ra một hệ thống đồn bốt phòng ngự dọc bờ tây sông Hàn dài hơn 3 km khá vững chắc nên liên quân địch không thể tấn công mở rộng được địa bàn.

Hơn 18 tháng ròng rã nhưng không chiếm trọn vẹn được Đà Nẵng, chúng để lại ít quân, vài chiến hạm cố giữ bán đảo Sơn Trà rồi kéo quân vào đánh chiếm thành Gia Định. Bên cạnh sự thiệt hại nặng nề của liên quân Pháp - Tây Ban Nha thì binh sĩ của triều đình nhà Nguyễn cũng mất mát không nhỏ, thi hài được chôn cất sơ sài dọc bờ sông Hàn.

Nhà bia di tích cấp quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh.

Đến tháng 4/1876, hai vị quan Án sát Nguyễn Quý Linh và Lãnh binh Quảng Nam Trương Tải Phủ đã chọn khu đất làng Phước Ninh, huyện Hòa Vang (địa điểm di tích ngày nay) giao cho quản cơ Nguyễn Lân, hiệp quản Nguyễn Đề huy động binh sĩ tìm kiếm được hơn 1.500 bộ hài cốt về an táng tại đây rồi xây tường đất bảo vệ xung quanh nghĩa trang. Năm 1990, chính quyền Đà Nẵng di dời các phần mộ về nghĩa trang Gò Cao, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang để xây dựng Nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương. Riêng mộ của hai tướng Nguyễn Thượng Chất và Nguyễn Việt Thứ đến năm 2009 dời về Nghĩa trủng Khuê Trung, quận Cẩm Lệ để mở thêm đường Nguyễn Văn Linh.

Bây giờ di tích chỉ còn 4 tấm văn bia cổ, 3 tấm nhỏ ghi công những người góp tiền mở Nghĩa trủng Phước Ninh từ thuở sơ khai. Tấm bia lớn nhất còn lại mang giá trị đặc biệt về tính nhân văn của nghĩa đời, là một văn bản ngợi ca sâu sắc về những người đã ngã xuống bảo vệ giang sơn, bờ cõi.

Thái Mỹ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.