Multimedia Đọc Báo in

Về thăm “thủ đô” văn nghệ kháng chiến

08:35, 23/07/2023

Vùng đất Gia Điền, Chu Hưng (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) một thời từng là nơi “nhận đường”, là “thủ đô” của nền văn nghệ kháng chiến Việt Nam, nơi các văn nghệ sĩ hòa mình vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đời sống của nhân dân…

Men theo con đường trải nhựa rộng mở dưới chân những đồi cọ trập trùng, đồi chè xanh bạt ngàn của vùng đất trung du, chúng tôi dừng chân ở khu 2, xã Gia Điền, nơi có tấm bia được dựng trên một mảnh đất rộng. Bên tấm bia ghi lại sự kiện là nơi đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày nay, cũng là nơi Tạp chí Văn nghệ xuất bản số đầu tiên. Cây gạo cổ thụ xưa không còn nữa, thay vào đó là cây gạo non nhỏ hơn, cao sừng sững, tỏa bóng xuống bia lịch sử và cả một khoảnh đất rộng.

Gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ về thăm lại Chu Hưng, Gia Điền.

Năm 1948, Gia Điền là địa điểm dừng chân của đoàn văn nghệ sĩ trong hành trình lên Việt Bắc. Lúc ấy đây là một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, rừng đồi um tùm cây lá, chỉ có con đường đất nhỏ dẫn vào xã. Trong số các văn nghệ sĩ có các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ như: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân… Họ đã chọn nơi đây là điểm dừng chân để tổ chức các hoạt động văn nghệ phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Gia Điền chính là nơi ra đời bức thư viết bằng thơ của nhà thơ Tố Hữu. Bức thư đặc biệt ấy được nhà thơ Tố Hữu viết ngay tại nhà cụ Nguyễn Thị Gái để an ủi, động viên cụ sau bao đêm mưa dầm gió bấc cụ khóc vì thương nhớ người con trai ra chiến trường mà lâu rồi không có thư từ, tin tức gì. Cụ Gái lo lắng biết đâu, giữa chiến trường đạn bom ác liệt, sự hy sinh là điều không tránh khỏi. Biết được điều đó, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ “Bầm ơi” giả gửi thư về cho bầm Gái. Khi đọc cho cụ Gái nghe, cụ đã xúc động nghẹn ngào và nở nụ cười hiền hậu vì yên tâm con trai vẫn bình yên nơi chiến trường.

Báo Văn nghệ tổ chức hành trình về nguồn tại Gia Điền tháng 3/2023.

Tưởng rằng, bức thư bằng thơ ấy chỉ dành riêng cho bầm Gái thôi nhưng ai ngờ rằng, ngoài chiến trường xa xôi, ác liệt khắp các chiến khu Việt Bắc, những chiến sĩ chiến đấu xa nhà đã chép bài thơ để gửi về cho mẹ của mình ở quê nhà đang ngày đêm mong ngóng tin con. Để rồi, ân tình ấy đã hòa vào tình cảm gia đình, tình yêu đất nước của bao chiến sĩ, bao người của những năm tháng kháng chiến gian khổ mà nghĩa tình và cho đến cả hôm nay: “Con ra tiền tuyến xa xôi/Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền”.

Chu Hưng cách Gia Điền chừng 3 km, là làng thuộc xã Ấm Hạ (huyện Hạ Hòa). Cùng với Gia Điền, Chu Hưng cũng là địa điểm dừng chân, hoạt động văn nghệ của đông đảo các văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có một thời, làng Chu Hưng được ví như một không gian của Hà Nội thu nhỏ bởi nơi đây không chỉ có các văn nghệ sĩ kháng chiến mà còn là địa điểm sơ tán của người dân miền xuôi, trong đó, phần đông là cư dân thủ đô. Khi đến Chu Hưng, người dân mang theo những nghề truyền thống để tiếp tục mưu sinh, mang theo những dư vị ẩm thực của Hà Nội để mở hàng quán.

Trong hành trình cùng với đoàn văn nghệ sĩ về Phú Thọ ngày ấy có gia đình nghệ sĩ Lưu Quang Thuận cùng với vợ là bà Vũ Thị Khánh. Ban đầu gia đình ở cùng đoàn văn nghệ sĩ tại thôn Gốc Gạo, xã Gia Điền, sau đó chuyển ra khu Ao Châu (Ấm Thượng cũ, nơi có các họa sĩ hoạt động) rồi chuyển về Chu Hưng. Tại Gia Điền, ngày 17/4/1948, vợ chồng nghệ sĩ Lưu Quang Thuận đã sinh người con trai cả Lưu Quang Vũ, sau này trở thành nhà thơ, nhà viết kịch tài ba của nền văn học Việt Nam hiện đại. Khi 15 tuổi, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết bài thơ “Thôn Chu Hưng” là gửi gắm bao niềm thương, nỗi nhớ của một người cất tiếng khóc chào đời ở miền đất này: “Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ/Nghe gió ngàn và tiếng hoẵng giữa rừng sâu/Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ/Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau”.

Trong những sáng tác sau này, hình ảnh trung du ở miền quê Hạ Hòa đã trở đi trở lại trong thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ như một điều gì đó thiêng liêng, gần gũi và ấm áp. Để rồi, khi xa Chu Hưng, nhà thơ Lưu Quang Vũ coi nơi đây là “Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/Ra biển ra sông còn nhớ mãi/Trắng hoa rừng... ơi Chu Hưng, Chu Hưng!”.

Những câu chuyện về một thời văn nghệ kháng chiến vẫn được người dân vùng đất trung du lưu giữ và kể lại cho bao thế hệ…

Nguyễn Thế Lượng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.