Multimedia Đọc Báo in

Âm vang trên sóng hồ

07:46, 13/08/2023

Thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) vừa rộn rã tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lần thứ I năm 2023 với chủ đề “Hướng tới Tây Nguyên”.

 Tham gia liên hoan có 12 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ các xã và đơn vị Công an huyện với hơn 300 diễn viên, nghệ nhân. 66 tiết mục đủ các thể loại hát đơn ca, song ca, tốp ca, múa phụ họa, múa minh họa, “múa độc lập”, hòa tấu nhạc cụ, hoạt cảnh, tiểu phẩm, trình diễn trang phục... đã thể hiện sự đa dạng văn hóa của một huyện có hẳn tên trên bản đồ du lịch thế giới. Mặc dù chỉ có 4/12 đoàn xây dựng chủ đề của chương trình (Đại ngàn quê tôi – Bông Krang; Vì bình yên buôn làng – Công an huyện; Hương sắc Tây Nguyên – Buôn Tría; Tây Nguyên đổi mới - Buôn Triết) nhưng nội dung thể loại hát có đủ từ ca khúc cách mạng (“Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Hát mãi khúc quân hành”, “Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên”, “Thiêng liêng lời Bác”, “Chúng ta là chiến sĩ công an”, “Bài ca không quên”…) đến hát dân ca M’nông (điệu Tơ tông Đoàn kết buôn làng), các làn điệu chèo (Xây dựng nông thôn mới), hát then cổ (Cung bướm soi đường), then mới (Trăng soi đường Bác) và đàn tính…

Dù không có nhiều giọng xuất sắc, nhưng đơn ca nữ “Bài ca không quên” của thị trấn Liên Sơn, đặc biệt giọng nam của xã Yang Tao với ca khúc “Nồng nàn cao nguyên” đã thuyết phục được người xem không chỉ bởi chất giọng đẹp, mà còn hát rất biểu cảm, xử lý tác phẩm tinh tế. Sự xuất hiện “điệu nghệ” của giọng hát rock nhí H’Han Yang Hi (xã Đắk Phơi) không chỉ khiến giám khảo lẫn khán giả thích thú mà còn hứa hẹn một thế hệ trẻ đầy tài năng của Lắk. Tuy vậy, có nhiều chất giọng đẹp nhưng lại hát không đúng nhạc (chênh, phô, lạc giọng), không đúng tông (cao quá, hoặc thấp quá so với giọng…); các cặp song ca, những tiết mục tốp ca, dù rất nỗ lực trong khâu dàn dựng nhưng đa số không có bè, thậm chí không cả hát đuổi, hát đối đáp khiến cho phần trình bày kém đi sự hấp dẫn, thiếu đa dạng phong cách biểu diễn.

Tiết mục biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Thanh Bình

Ít ỏi nhất là phần biểu diễn nhạc cụ, có lẽ do thời gian tập luyện và biểu diễn khá cận kề, nên chỉ có bốn tiết mục. Hòa tấu “Cô gái vót chông” của Công an huyện trình diễn phối hợp khá tốt, đáng tiếc chỉ phát huy được kỹ thuật của đàn organ, mà phần trình bày của ching kram lại chỉ là phụ họa, chưa đáp ứng đúng với thể loại “hòa tấu”. Bài độc tấu nhị Lới lơ năm cung của xã Buôn Triết đem đến những âm thanh trong trẻo, mới lạ của miền quê Bắc Bộ, góp được tiếng nói riêng của mình vào hòa âm trong không gian cao nguyên. Tiếng sáo trúc réo rắt của Buôn Tría trong bài “Cô gái vót chông” tiếc không theo kịp nhịp điệu của nhạc đệm. Nhóm 5 phụ nữ thổi Du Đing (đing tut) dù rất cố gắng, nhưng âm thanh và nhịp điệu vẫn còn lệch nhau. Một điều đáng tiếc nữa là tại liên hoan có rất ít làn điệu dân ca, nhạc cụ tre nứa, gỗ, đàn đá Êđê, M’nông vốn vô cùng đa dạng…

Bù lại là sự xuất hiện dày đặc âm thanh của các dàn chưng bor - 6 ching không có núm (M’nông Gar), hay gong pêh - 3 chiếc có núm (M’nông Rlâm), ching jhô (Bih), ching knah (Êđê) chứng tỏ thế mạnh của văn hóa gong ching vẫn đang tồn tại, tiềm ẩn mãnh liệt trong các bon làng ở Lắk. Có tới 7/12 đoàn tham gia liên hoan đưa dàn gong ching hay nhất của đơn vị mình khoe tài cùng bè bạn. Duyên dáng, sôi nổi và độc đáo là phần trình bày của dàn ching jhô (xã Ea R'bin), khác hẳn tiết tấu thong thả của dàn ching jhô của nhóm Bih ở Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Đặc biệt diễn viên nữ đánh trống giữ nhịp cho cả dàn là một nghệ nhân không chỉ điêu luyện mà còn đầy nữ tính, khiến khán giả vô cùng ngưỡng mộ. Các dàn gong, ching của Đắk Liêng, Nam Ka, Yang Tao, Liên Sơn, Buôn Triết, dù là do thế hệ những người cao tuổi hay trung niên trình tấu vẫn thể hiện hết mình vì “màu cờ, sắc áo” của dân tộc, của địa phương. Sự đua tài trở nên háo hức mà vẫn không kém phần điêu luyện.

“Chiếm sóng” nhiều nhất trong chương trình các đoàn là thể loại múa. Như đã nói ở trên, có đủ mọi thể loại: Múa là những tiết mục dựa trên nền nhạc không lời được các đơn vị ở huyện Lắk lựa chọn cho phù hợp với những chủ đề và dàn dựng khá thành công, như Vũ điệu cồng chiêng (Yang Tao), Hội cồng chiêng Tây Nguyên (Buôn Tría), Sạp (Đắk Liêng), Cồng chiêng Tây Nguyên (Krông Nô), Chiều bên hồ (Ea R'bin)…; múa phụ họa cho hát như “Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên” (Buôn Tría), “Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk” (Công an huyện)…

Ban tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn cho đơn vị xã Yang Tao. Ảnh: Thanh Bình

Ấn tượng tại liên hoan lần này là một loại hình nghệ thuật rất thành công: đó là những tiết mục giới thiệu thời trang hay trang phục truyền thống. 8/12 đoàn có phần trình diễn này, đều rất sáng tạo. Đơn giản là trang phục truyền thống của 5 - 7 dân tộc chung sống trên địa bàn (Đắk Phơi, Buôn Triết, Buôn Tría); thời trang thổ cẩm truyền thống và cải tiến của người lớn và trẻ em vô cùng dễ thương (Bông Krang); trang phục M’nông được âm thanh và nhịp điệu của dàn gong pêh dìu từng bước chân uyển chuyển (Liên Sơn)... Những cô gái Mông duyên dáng với khăn tay và chiếc dù màu hồng của xã Đắk Nuê. Đặc biệt nhất là phần trình diễn thời trang của xã Yang Tao: không chỉ là trang phục truyền thống với những chiếc bình gốm, trái bầu thân quen của làng, mà các bạn còn thiết kế những bộ trang phục vô cùng duyên dáng bằng thổ cẩm kết hợp với giấy ăn, giấy báo, bao nilon đựng rác để đưa ra thông điệp của mình là “Bảo vệ sắc màu Tây Nguyên”.

Tuyệt vời hơn nữa, đó là sự xuất hiện của những chiếc váy M’nông nguyên gốc của hai nhóm M’nông Rlâm và Gar tưởng chừng như đã thất truyền hàng chục năm nay. Hình thức, hoa văn khác hẳn váy áo của nhóm M'nông Preh (tỉnh Đắk Nông) đã có sự cải tiến về màu sắc và lâu nay vẫn được coi là mẫu trang phục nữ M’nông. Đây là một điều đáng mừng không chỉ cho bà con tộc người M’nông ở Đắk Lắk mà còn cho cả ngành văn hóa. Hy vọng từ sự xuất hiện này, huyện Lắk sẽ có ngay những biện pháp cụ thể để gìn giữ, phát huy nghề dệt, hoa văn và trang phục gốc thực sự của người M’nông, nhân lên trong toàn tỉnh.

Âm thanh của những dàn chưng bor, gong pêh, ching knah, điệu dân ca M’nông Tơ tơng, cả những làn điệu chèo, câu hát then, tiếng đàn tính, đàn ching kram lan xa trên mặt gương hồ Lắk. Xôn xao chở theo niềm vui đoàn kết và cả giá trị của những di sản văn hóa quý báu, theo nắng, theo gió về khắp mọi bến nước gần xa…

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.