Dấu tích văn hóa Champa ở Tây Nguyên qua ảnh tư liệu
Vùng đất Tây Nguyên xưa cũng là địa vực cư trú, lãnh thổ của người Champa. Theo các nhà sử học, dân tộc học, người Champa vùng Vijaya (thuộc Bình Định ngày nay) di cư lên miền núi thành người Chăm Hroi.
Họ có quan hệ huyết thống và giao lưu, tiếp biến văn hóa với dân tộc Bhanar ở Nam Trường Sơn. Một bộ phận lớn hơn di chuyển lên vùng Tây Nguyên và định cư tại đây trong thời gian khá lâu dài, từ trước thế kỷ 10 đến thế kỷ 14.
Bằng chứng là ngày nay, họ còn để lại nhiều di tích, di chỉ, di vật... thuộc nền văn hóa Champa xưa. Các di tích, di vật đã được các nhà nghiên cứu, thám hiểm ghi lại qua một số bức ảnh tư liệu quý báu.
Tháp Yang Mun chụp năm 1948, hiện trạng vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh tư liệu |
Đền tháp được người Chăm không chỉ xây dựng ở miền Trung mà còn thấy hiện diện ở cả Tây Nguyên. Các ngôi tháp cổ như Yang Mun, Bang Kleng, Drang Lai, Yang Prông, hay các phế tích tháp rải rác trong rừng Ea Rốk, Cư Kbang (huyện Ea Súp)... đều được xây dựng trong thời gian người Champa lập cứ địa và sinh sống ở đây.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những ngọn tháp Chăm ở Tây Nguyên thuộc phong cách “Champa muộn”, hiện diện trên vùng đất Krông Pa, Ayun Pa, Ea H’leo, cạnh sông Krông Năng, sông Ba, sông Ea H’leo...
Trong các di tích, di vật, đáng kể nhất là tháp Yang Prông, còn gọi là “tháp Chàm Rừng Xanh” ở huyện Ea Súp còn khá nguyên vẹn và bi ký Tư Lương ở tỉnh Gia Lai là bi ký duy nhất còn lại ở Tây Nguyên.
Có các bức ảnh tư liệu chụp tháp Chàm vào nhiều thời điểm khác nhau, trong đó đáng chú ý là bức ảnh chụp tháp Yang Mun (tỉnh Gia Lai) vào năm 1948. Qua ảnh cho thấy ngôi tháp còn khá nguyên vẹn, đường nét kiến trúc khá tương đồng với tháp Yang Prông (Đắk Lắk), nhất là phần mái và cửa ra vào.
Do thời gian, chiến tranh tàn phá và không được bảo quản, trùng tu nên hiện tháp đã bị sụp đổ, chỉ còn lại phế tích. Các nhà nghiên cứu còn chụp một số bức ảnh về phù điêu bằng sa thạch, tiêu biểu là phù điêu thần Shiva. Những bức ảnh này được lưu lại ở Thư viện của Viện Viễn đông Bác Cổ (EFEO) và in ấn trên một số công trình khảo cứu về văn hóa Champa.
Tháp Yang Mun sau khi sụp đổ trở thành phế tích. Ảnh tư liệu |
Trong số những bức ảnh tư liệu liên quan đến di tích, di vật, phế tích Champa ở Tây Nguyên, đáng chú là các bức ảnh chụp tượng voi đá. Người Champa ở Tây Nguyên trong một thời gian khá lâu dài, xứ sở của loài voi, nhưng trong nghệ thuật điêu khắc đá của họ, mảng đề tài về linh vật này hơi hiếm thấy.
Trong khi đó, tại các khu di tích ở miền Trung như kinh đô Trà Kiệu (Sinhapura), thành Đồ Bàn (Vijaya), thì tượng voi đá khá phổ biến. Những chú voi đá ở Trà Kiệu được trưng bày nhiều tại các bảo tàng trong và ngoài nước. Phải chăng các nhà khảo cổ chưa phát hiện ra những bí ẩn còn lưu lại trong lòng đất xung quanh các di tích, phế tích tháp Chàm ở Tây Nguyên?
Bức màn bí ẩn đó được hé mở một phần khi hình ảnh voi đá, linh vật của người Chăm được tìm thấy tại Plei Pa, Phú Bổn (nay là làng Plei Pa, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) khoảng năm 1948 - 1963. Jacques Dournes, nhà nhân học người Pháp đã chụp bức tượng voi đá quý hiếm này. Tác giả bức ảnh cũng nêu rõ kích thước của nó là: cao 50 cm, dài 50 cm, rộng 20 cm.
Ông còn có ghi chú cẩn thận: "Có thể đây là tác phẩm của nền văn hóa Champa?". Trong thời gian làm việc tại Cheo Reo, Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), Jacques Dournes đã thuê người xây cất một ngôi nhà sàn bằng gỗ khá đẹp và sống ở đây trên 10 năm để điền dã và hòa mình với cuộc sống thực tế của dân làng.
Jacques Dournes đã chụp nhiều bức ảnh sống động, chân thực về dân tộc J’rai. Những bức ảnh quý giá này đã được in trong công trình sách ảnh có tựa đề “Pays Jörai” (Xứ J’rai), trong đó có bức ảnh tượng voi đá của người Chăm vừa nêu.
Bức ảnh tượng voi đá của người Chàm và tượng người cưỡi voi bằng gỗ của dân tộc J’rai. Ảnh tư liệu |
Một điều đặc biệt thú vị nữa là, trong một lần ghé thăm, Georges Condominas - nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp với những công trình nghiên cứu về người M’nông Gar ở Đắk Lắk - đã chụp bức ảnh tư liệu đặc sắc tại chính ngôi nhà của Jacques Dournes.
Nhìn ảnh có thể thấy rõ, phía trên nhà sàn là tượng người cưỡi voi làm bằng gỗ của dân tộc J’rai, phía dưới là tượng voi đá của người Chăm. Tượng người cưỡi voi là tượng nhà mồ và một số bức tượng khác được Jacques Dournes sưu tầm để trưng bày tại ngôi nhà sàn của mình.
Bên cạnh bức ảnh tượng voi đá của người Chăm phát hiện tại Ayun Pa còn có bức tượng voi đá mang phong cách Champa được thu nhặt tại Kon Tum vào năm 1932. Bức ảnh này được lưu tại Thư viện ảnh ASEMI.
Tượng thần Shiva phát hiện ở tháp Yang Mun, hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh tư liệu |
Một số tác phẩm điêu khắc Chăm vùng Tây Nguyên đã được công nhận là bảo vật quốc gia, lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Gia Lai, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Những di tích, di vật, phế tích Champa ở rừng xanh đại ngàn đã được các nhà nghiên cứu ghi lại qua các đợt khảo sát, khai quật là những tư liệu quý báu, làm sáng tỏ thêm sự phong phú, đặc sắc của kho tàng văn hóa Champa.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc