Multimedia Đọc Báo in

Nơi lưu giữ hồn văn hóa Chăm

11:11, 25/08/2015

Tháp Bà Ponagar là địa chỉ tham quan hấp dẫn tại TP. Nha Trang – Khánh Hòa, đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của khu tháp cổ, vừa có dịp tìm hiểu một nền văn hóa độc đáo thông qua những điệu múa, các nhạc cụ truyền thống của người Chăm.

Chúng tôi đến thăm tháp cổ vào một ngày cuối tháng 4-2015, thời điểm còn hơn một tuần nữa đến ngày khai mạc Lễ hội Tháp bà Ponagar năm 2015, người hành hương và du khách đến tham quan di tích này đã rất đông. Quần thể tháp nằm trên một quả đồi nhỏ, bên bờ sông Cái, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía Bắc. Tổng thể kiến trúc của quần thể tháp gồm có 3 tầng từ thấp lên cao. Từ dưới chân núi, đi theo những bậc đá lên sẽ gặp 10 trụ gạch lớn, cao hơn 5m xếp thành hàng. Bước lên tới đỉnh núi là một nền đất rộng khoảng 500 m2, tại đây, du khách sẽ khám phá nghệ thuật điêu khắc Chăm được chạm trổ công phu. Ngay cổng chính là tượng Nữ thần Durga đang nhảy múa giữa hai nhạc công, trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, đi sâu vào trong là bốn ngôi  tháp, hai miếu thờ. Tầng trên cùng của quần thể gồm 4 tháp: Tháp chính (dinh Bà), tháp giữa (dinh Ông), tháp Đông Nam (dinh Cô), tháp Tây Bắc (dinh Cậu). Trong số này, dinh Bà là tháp lớn nhất với chiều cao khoảng 23m, thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Ponagar) - người mẹ xứ sở đã có công dạy người Chăm cách trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi... Đối với người Chăm, vai trò của nữ thần Ponagar là rất quan trọng và được tôn thờ độc lập. Cả 4 tháp trong quần thể Tháp bà Ponagar được xây dựng gần giống như tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), với đặc trưng là gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính, lòng tháp rỗng từ chân tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu, trên đỉnh các trụ được trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung. Đây là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm.

Du khách đến tham quan Tháp Bà Ponagar.
Du khách đến tham quan Tháp Bà Ponagar.

Dưới chân tháp chính, đồng bào Chăm từ khắp nơi về hành hương, bày lễ vật cúng tế. Vật phẩm dâng lên Thánh Mẫu là những sản phẩm mà họ trồng trọt, chăn nuôi mà có, từ trầu cau đến trái cây, chè, thịt… Không khí xung quanh cũng rộn ràng bởi tiếng trống Ghinăng, Paranưng, đàn Kanhi, hòa cùng tiếng nhạc là những điệu múa quạt, múa lu và Apsara truyền thống… Một khách hành hương người Chăm đến từ huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận cho biết, năm nào anh và gia đình cũng về dự hội lễ Tháp bà Ponagar để tưởng nhớ công ơn của Mẫu và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống sung túc hạnh phúc. Theo lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên di tích, năm 1653, những người dân Việt từ phía Bắc, theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, dừng chân bên cửa sông Cái, tạo lập nên làng mạc, xóm thôn… Họ đã mang theo phong tục thờ cúng Mẫu của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ vào đây. Hằng năm, cứ đến ngày 20-3 âm lịch, người Chăm, người Kinh ở khắp nơi, mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponaga, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với Thánh Mẫu. Lễ hội Tháp Bà Ponagar gồm có các nghi lễ chính: lễ mục dục (tắm tượng), lễ tế gia quan (lễ thay y) diễn ra vào giờ Ngọ ngày 20-3 âm lịch, sau đó là lễ tế sanh, dâng cúng đồ tế, múa bóng mời thiên y thánh mẫu và các bậc thần linh về dự lễ. Theo nghi thức, lễ cúng Thánh Mẫu thường mở đầu bằng lễ khai kinh cầu quốc thái dân an. Lễ tế sanh bắt đầu vào giờ Tý, đêm 22 do các bô lão thực hiện, sau đó lễ cầu cúng chính thức diễn ra vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau. Việc hành lễ do chánh lễ, bồi tế, đông hiến, tây hiến và đội học trò thực hiện, lần lượt dâng rượu, dâng trà, đọc văn tế rất cung kính, tôn nghiêm. Sau cùng là phần hội, từng đoàn người sẽ cùng nhau múa bóng, múa hoa quả, múa quạt… để bày tỏ lòng biết ơn, ca ngợi công đức của “Bà mẹ xứ sở”.

Theo truyền thuyết của người Chăm, Nữ vương Ponagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) - là vị nữ thần được tạo nên bởi mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Riêng Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1979. Cuối năm 2012, Lễ hội tháp Bà Ponagar cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc