Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ buôn trong phố

09:22, 03/09/2023

Nhiều du khách phương xa tỏ ra rất thích thú khi biết giữa đô thị Buôn Ma Thuột vẫn hiện hữu những buôn làng truyền thống. Tuy nhiên, không mấy ai biết được rằng để gìn giữ được hiện trạng truyền thống ấy, những người làm văn hóa ở đây phải nỗ lực thế nào.

Giữ gìn giá trị văn hóa

Ông Phan Chí Dũng, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, để đưa du khách đến với các điểm văn hóa truyền thống tại địa bàn là cả quá trình vận động, đầu tư không đơn giản. Bởi ngành văn hóa Đắk Lắk phải vận động cân bằng được khát vọng bảo vệ văn hóa hằng có, với nhu cầu đời sống đô thị hóa hiện đại, mới giữ được những buôn làng giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột hôm nay.

Người dân buôn trong phố phải cân bằng được nhu cầu đời sống hiện đại với định vị văn hóa truyền thống bao đời.

Theo ông Dũng, đa số du khách đến Đắk Lắk đều biết về mô hình buôn du lịch Akô Dhông, buôn Êđê truyền thống tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều người đến trải nghiệm rất hứng thú khi thấy kiến trúc nhà dài được lưu giữ, với những bậc thang đúng nếp sống bao đời, rồi những ché rượu cần bên bếp lửa, màu thổ cẩm tự nhiên, và cả những gương mặt, nụ cười thân thiện của bà con trong buôn. Có điều, ẩn sau những rộn ràng bề ngoài ấy, buôn Akô Dhông đang đối diện không ít giằng co lưỡng lự giữa các nếp sinh hoạt, tư duy thế hệ con người tại đây.

Chị H’Phiu Kbuôr, một trong những gia chủ đầu tư điểm đến du lịch trong buôn chia sẻ, cụ thể nhất là cách trang phục, hành xử thường ngày của con cái chị và bà con thân thuộc đang biến cải liên tục trước nhịp sống hiện đại. Thế hệ trẻ hôm nay ở trong buôn đang cọ xát ngày càng nhiều trước những kiến thức cuộc sống hội nhập, trước những thay đổi của xã hội bên ngoài. Những nhu cầu mới, như quen sử dụng điện thoại thông minh, đăng nhập mạng xã hội… cho đến các món ăn Tây Âu đã xâm nhập rất mạnh vào giới trẻ. Vậy làm sao để con cái hứng thú với ngôn ngữ mẹ đẻ, thích màu áo truyền thống và cả những giai điệu âm thanh văn hóa trong lời ru, điệu hát bao đời?

Là một người mẹ, chị H’Phiu dĩ nhiên ủng hộ các con tìm tòi, khám phá những cái mới mẻ, giá trị hấp dẫn hơn, nhưng rõ ràng trong bóng nhà dài Êđê, những câu chuyện về bến nước thiêng liêng, về ngọn lửa và cơn gió đại ngàn, vẫn phải được lưu giữ. Sáng kiến của những người làm quen dần với dịch vụ du lịch như chị, là biến cải tích cực những chất liệu đời sống mới vào hoạt động hằng ngày, như vấn đề giao tiếp, ngôn ngữ thể hiện, vào việc lồng ghép với văn hóa truyền thống có sẵn, để con cái hứng thú thực sự vì có thu nhập mà lại bảo lưu được truyền thống.

Tâm tư của những người mẹ như chị H’Phiu không hề khó gặp trong những “buôn làng giữa phố” ở Akô Dhông, hay Kosier, Ko Tam, Alê A… Những cái tên này, dù lạ lẫm với người phương xa thế nào cũng đang tồn tại những giá trị bao đời đất cao nguyên, vì gắn chặt với nền tảng văn hóa dân tộc bản địa, để càng phát triển, hội nhập ra bên ngoài, càng day dứt nỗi lo bảo tồn giá trị.

Cần thấu đạt văn minh đô thị

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, đô thị hóa càng mạnh mẽ thì những vùng đất văn hóa càng nên phải đầu tư xứng đáng về các giá trị vốn có. Bởi những người quản lý, và cả thị dân đều rất cần thấu đạt được những giá trị văn minh đô thị, là không phải khỏa lấp, xóa bỏ đi những nếp văn hóa truyền thống, mà khéo lồng ghép, hòa nhập những cái mới vào trong để tôn tạo và phát triển hơn. Những cái hay, cái đẹp phải được bảo vệ, còn cái mới, cái hiện đại phải được sàng lọc hợp lý, mới là cách duy trì phát triển văn hóa - xã hội bền vững.

Nhà dài truyền thống ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur,TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng

Bởi góc nhìn này, bao năm qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn nhìn nhận vị trí cần giữ gìn nguyên sơ hơn của các buôn làng Êđê giữa lòng đô thị mới. Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ văn hóa truyền thống trong từng hình ảnh kiến trúc, để các buôn vẫn giữ được dáng dấp vốn có, nhưng dung hợp được những nhu cầu cuộc sống mới, hiện đại hơn, là nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp quản lý và tổ chức chính trị - xã hội. Làm sao để khi thế hệ già mai một cũng sẽ được tiếp nối với những thế hệ trưởng thành từ lớp trẻ, cập nhật được tri thức thời đại mà vẫn yêu kính những giá trị văn hóa trường tồn, là mục tiêu luôn được ấn định!

Khi đi sâu vào nền tảng phát triển bền vững, người ta mới nhận ra, những quy định, tập tục, lề lối truyền thống, tâm linh… của những nông dân chất phác, những người đồng bào đơn sơ lại chính là những luật định chặt chẽ, chuẩn xác để văn hóa đạo đức tồn tại, thiên nhiên được bảo vệ… Khi tuân thủ những hương ước, lời thề, người dân các buôn làng lại có đủ những phép tắc hành xử văn minh, chuẩn mực. Vậy đô thị hóa có nên chấp thuận duy trì những quy định truyền thống ấy, ngăn ngừa được những sai phạm sẽ có nếu vội vàng cập nhật những giá trị mới, hiện đại mà thiếu cân nhắc?

Ông Phan Chí Dũng đánh giá, để những buôn làng hưng thịnh trong lòng đô thị, đồng bào cần học thêm những kiến thức thương mại, công nghệ… mới; còn để bảo vệ chính những giá trị văn minh trong cuộc sống hôm nay, các đô thị lại cần biết bảo toàn những giá trị sâu sắc và nhân văn trong văn hóa truyền thống. Đó là lý do những mái nhà dài Êđê vẫn được dựng nên, giữ gìn, để buôn trong phố luôn là câu chuyện hấp dẫn, đáng nhìn, đáng nghe, tại Buôn Ma Thuột.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.