Multimedia Đọc Báo in

Mỗi góc ngồi, một câu chuyện kể

06:09, 24/09/2023

Các bạn tôi ở nơi khác mỗi khi đến TP. Buôn Ma Thuột đều hỏi: Quán cà phê Arul ở đâu? Những người bạn tôi muốn đến cà phê Arul đâu chỉ để thưởng thức cà phê, bởi mỹ vị cà phê Arul chưa hẳn đã “trên tài” nhiều quán cà phê khác ở thành phố thủ phủ cà phê này. Họ muốn đến Arul còn vì một lẽ khác, ấy là “những câu chuyện kể ở đây”.

“Những câu chuyện kể ở đây” có một phần đến từ giọng nói ấm áp, trầm trầm, hơi khàn khàn của chị chủ quán H’Len, phần chủ yếu đến từ các hiện vật trưng bày trong quán, xung quanh quán, từ những thảo mộc be bé xinh xinh trồng trong vườn, đến cả cây gỗ lừng lững đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên, đấy là cây kơ nia tán lá tròn xanh biếc, nắng càng to mặt lá càng lấp lánh, long lanh... Tất cả đều toát lên bản sắc văn hóa dân tộc Êđê, văn hóa các tộc người Tây Nguyên; có thứ hiển hiện, có thứ chỉ là bóng dáng mơ hồ, nhưng gợi cho khách nhiều ngẫm nghĩ, nhiều cảm xúc bồng bềnh...

Quả thật, từ “góc ngồi” đầu tiên khi khách vừa bước chân tới cổng đã thấy ngay căn nhà dài truyền thống của người Êđê, với mái nhà hình con thuyền, gợi về nguồn gốc Nam Đảo của người Êđê, gợi về ký ức chưa xa, nhiều gia đình, gồm ông bà, con cái, cháu chắt cùng chung sống dưới một mái nhà. Khách được thấy sàn gỗ ở hai đầu nhà, nơi thuở trước, đêm trăng sáng, cả nhà người Êđê thường ngồi ngắm trăng, hưởng gió mát từ những cánh rừng chỉ cách mấy lần quăng dao thổi tới; hoặc trai gái trong buôn ngồi túm tụm bày cho nhau cách thổi kèn lá, cách đánh đàn tơ rưng, hoặc ngâm nga trầm bổng mấy khúc ay ray, mấy khúc muynh, khúc amơi, khúc chốc(*)... Ở “góc ngồi” này, khách cũng được thấy cái cầu thang lên sàn, được chủ nhà đẽo từ một cây gỗ thuộc loài danh mộc, chẳng hạn cà chít, căm xe chịu mưa, chịu nắng. Chủ nhà phải làm lễ xin thần rừng mới được đốn cây. Cây gỗ được đẽo thành 5 - 7 bậc để dễ dàng lên xuống. Phía trên cầu thang được gọt đẽo hai bầu vú phụ nữ tròn lẳn, tượng trưng cho chế độ mẫu hệ. Đồng thời, mỗi lần, đi bất cứ ở đâu về, bước chân lên cầu thang người ta được thấy ngay hai bầu vú của mẹ. Nó góp phần nhắc nhở những người con phải luôn luôn biết ơn mẹ đã cho bú mớm, chăm sóc từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, để con gái biết đẹp như hoa tơm lơng, hoa sớc khọt soi mình bên dòng suối, con trai biết khỏe mạnh, cường tráng như cây kơ nia, cây cà chít lừng lững trên đồi cao... Người Êđê đã có một cách nuôi dưỡng tình mẹ con trường tồn qua cả ngàn năm như thế đó!

Căn nhà dài truyền thống của người Êđê ở quán cà phê Arul.

Ở “góc ngồi” bên trái ngôi nhà, khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tượng nhà mồ, những con thuyền độc mộc, những cái cối giã gạo... chỉ còn phần lũa như thách thức với thời gian. Dẫu vậy, khách vẫn có thể nghe vọng từ tâm tưởng những nhát rìu của các nghệ nhân xưa chặt ngang, chém dọc vào cây gỗ, làm nên những bức tượng về tình mẫu tử, về cảnh ân ái của đàn ông, đàn bà (nhờ vậy mà dòng giống được truyền đời), về những con vật thiêng quý hiếm trong rừng, những con vật gần gũi, thân thương đang chung sống với người. Khách vẫn có thể thấy thấp thoáng trong sâu thẳm của trí nhớ (bởi đã đọc ở đâu đó) những con thuyền độc mộc xưa lướt trên dòng xanh Sêrêpốk, Krông Ana, trên mặt gương hồ Lắk; thấy những chàng trai Êđê, M’nông “mắt sáng da nâu”, đứng trên thuyền độc mộc, cầm cây lao nhọn hoắt đuổi theo đàn cá lớn, rồi bất ngờ phóng lao đâm cá, sau đó thì cười vang mặt nước...

Ở “góc ngồi” khác trong nhà, khách sẽ được thấy, được sờ mó, được ngồi lên kpan - cái ghế dài của người Êđê, dài đến miên man, được đẽo từ một thân gỗ, có chân liền với mặt. Nhiều người già cho hay: Ngày xưa một số nhà giàu, có những cái kpan dài bằng... một tiếng ru, dài tới ba, bốn đội chiêng cùng ngồi mà còn rộng, thoáng. Ở “góc ngồi” này, khách sẽ được nghe câu chuyện về lễ cúng thần rừng xin cây, lễ rước kpan về nhà và bao nhiêu lễ khác như lễ cầu sinh đẻ dễ cho phụ nữ, lễ đặt tên cho đứa bé sau khi ra đời một ngày...  gắn liền với cái ghế độc đáo, chẳng dân tộc nào có.

Trên đây chỉ là vài ba “câu chuyện kể” trong số hàng trăm “câu chuyện kể” mà khách có thể tiếp nhận được khi đến với Cà phê Arul. Ai không “nhìn thấy”  “câu chuyện kể”, ai không tưởng vọng được “câu chuyện kể”, thì có thể nghe chị chủ quán H’Len kể trực tiếp với ánh mắt khi vui, khi đượm buồn, với giọng kể khi trầm bổng, thiết tha, khi chùng xuống; bởi có những câu chuyện được kể bằng ký ức và nó chỉ mãi mãi còn trong ký ức, chẳng có cách nào để hiện diện giữa thời nay.

Một góc ngồi ở Cà phê Arul.

Tôi đã có nhiều buổi sáng, buổi chiều đến quán cà phê này, ngồi ngắm hoài những chiếc gùi “nước sơn mồ hôi” của mấy thế hệ người Êđê đã bóng loáng, thẫm đen bởi khói bếp; ngắm mãi những quả bầu dáng hồ lô mà người Êđê mẹ, rồi người Êđê con đã chuyền tay nhau uống nước ở trong đó; ngắm mãi những cái ché túc, ché tang đã mấy đời người Êđê ủ rượu cần, “di truyền” cho nhau cái vị ngọt nồng nàn của lúa nương tím lịm, của thứ bắp nếp trắng nõn trắng nà. Tôi biết, người ta uống rượu cần đâu chỉ uống một thứ nước cồn thực phẩm cho tâm hồn thăng hoa, mà khi người trước trao cần rượu cho người sau, là trao cho nhau cái tình anh em, cái tình xóm giềng yêu thương, gần gũi, trao tình cho bè bạn bốn phương.

Chị H’Len chủ quán cho hay: Chị yêu các tập tục của dân tộc mình, yêu tất cả những gì mà ông bà, tổ tiên đã làm nên giữa đại ngàn Tây Nguyên này suốt bao đời nay, thể hiện qua giọng nói, tiếng cười, câu hát, nhạc cụ, thể hiện trong đời sống lao động, sinh hoạt, chiến đấu chống lại kẻ thù, thể hiện trong lễ thức giao tiếp cộng đồng, giao tiếp với thần linh... Bởi tất cả những thứ đó là văn hóa của dân tộc mình, của ông bà mình để lại. Đó là bảo vật quý giá mà con cháu phải biết tự hào, gìn giữ. Cũng vì thế, chị không muốn những bản sắc độc đáo đó mờ nhạt, trôi dạt và mất hút dần trong thời gian thăm thẳm. Chị muốn giữ lại những gì còn có thể, cho con cháu hôm nay và mai sau. Đó cũng là động lực thôi thúc chị bỏ công sức ra gần chục năm trời, trút từ hầu bao hàng trăm triệu đồng mà chị dành dụm suốt nửa đời người, để tới các buôn làng gần xa, thứ xin được, thứ phải mua nhiều tiền, mang về gìn giữ, trưng bày trong quán. Chị xem việc kinh doanh cà phê chỉ là niềm vui, chỉ là duyên cớ để gọi mời khách đến, còn việc bảo tồn gìn giữ các hiện vật, bản sắc văn hóa của dân tộc mình mới là điều tâm huyết nhất.

Và vì thế, bây giờ đến Cà phê Arul (ở ngay giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột) mỗi “góc ngồi” bạn sẽ được thấy, được nghe, được tưởng vọng từ giữa lòng mình “một câu chuyện kể”!

(*): Những điệu hát của người Êđê.

Đặng Bá Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.