Multimedia Đọc Báo in

Vấn vít rượu cần Tây Nguyên

14:31, 04/09/2023

Nếu như người Kinh lấy “miếng trầu làm đầu câu chuyện” thì đồng bào các dân tộc Tây Nguyên coi tiếp khách, đãi bạn không thể thiếu rượu cần.

Ở Tây Nguyên, khi trẻ vừa lớn lên đồng thời cũng là quá trình tập uống rượu cần, và tập múa (xoang), chơi các nhạc cụ dân tộc như đánh cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn goong, t’ní, k’lôngbut, đing tuk, đing yơng… Nhạc cụ thì có loại phân biệt trai gái, nhưng rượu cần thì không. Rượu cần có ở trong nhà, ngoài chòi rẫy, thậm chí cất giữ cả ở trong kho ngoài rừng. Rượu cần tham gia vào mọi sinh hoạt lớn nhỏ của cộng đồng, từ những lễ hội đông vui náo nhiệt đến đôi ba người rì rầm to nhỏ tâm sự chuyện vui chuyện buồn. Đối với cộng đồng, thiếu rượu cần không ra lễ hội, không ra một loại hình sinh hoạt công cộng nào. Đối với cá nhân và mỗi gia đình, thiếu rượu cần là thiếu phần hồn cho những câu chuyện, kể cả chuyện tâm tình lẫn chuyện làm ăn.

Người Tây Nguyên nói chung rất tôn trọng các luật tục truyền thống. Trong luật tục không thành văn của người M’nông, J’rai và Bahnar, kẻ uống rượu say quậy phá bị phạt rất nặng. Kẻ uống rượu say nằm ngủ không quậy phá, tức là đang được thần ghè rượu nâng giấc, đón đi chơi ngoài rừng. Rượu cần không phân biệt giàu nghèo. Rượu cần có mặt ở cả trong nhà giàu sang quyền quý lẫn nhà nghèo xác xơ. Chỉ cần một gùi sắn là người ta có thể có một ghè rượu ngon.

Rượu cần luôn hiện hữu trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng

Luật uống rượu cần cũng đơn giản và cũng không đơn giản chút nào. Dù ghè rượu nhỏ, vài ba người uống với nhau, trước khi uống người chủ ghè phải cúng xin thần linh, đọc lời khấn. Những cuộc liên hoan lớn, người uống đầu tiên phải là già làng, rồi đến các già làng trong hội đồng bô lão, sau đó đến khách khứa và các nhà chức sắc, và cuối cùng là đến toàn dân. Đồng bào Tây Nguyên theo đa thần giáo. Đồng bào quan niệm: Tất cả mọi vật quanh ta đây đều có hai phần: phần xác và phần hồn. Cái phần hồn ta không nhìn thấy nên phải cúng và gọi chung là Yang (có học giả dịch Yàng là thần linh, lại có học giả dịch Yang là Trời, là Thần, còn tôi dịch là Hồn). Hồn núi. Hồn sông. Hồn nước. Hồn cây. Hồn đá. Hồn ché rượu… Đồng bào cho rằng sau khi chết “cái hồn” vẫn lẩn khuất đâu đây, “nó” cần được ăn, được uống như người sống, cho đến khi làm lễ bỏ mả (pơthi), lễ tiễn đưa hồn Pơtâu (hồn ma) về thế giới bên kia, nơi ấy cũng ở trên mặt đất này, nhưng xa lắm, cuối rừng cuối núi, nơi ấy, mọi thứ đều ngược lại với chúng ta: ngày là đêm, no là đói, sướng là khổ, sống là chết, buồn là vui…

Rượu cần được chế tác từ gạo, củ sắn, quả chuối chín, mít, kê, ngô… Men rượu cần được làm từ củ riềng, ớt, một số rễ lá cây rừng vừa rất đơn giản lại cũng vừa rất cầu kỳ, không khác quá trình ủ men của người Kinh là mấy, chỉ khác là sau khi ủ men, người ta trộn với trấu (để khi cắm cần uống không bị trít lỗ). Rồi cho vô ghè, dùng lá chuối bịt kín, chừng 10 ngày sau rượu ngấu, đem ra, chế nước suối vào là cắm cần uống được. Vị của rượu cần ngòn ngọt, cay cay, chua chua, đăng đắng. Ghè rượu ngon dở còn tùy thuộc vào tay người làm, tùy thuộc vào nguyên liệu và quan trọng hơn cả là kinh nghiệm của người làm ra nó.

Tôi đã nhiều lần được cùng bà con các dân tộc Tây Nguyên uống rượu cần. Tôi nhớ những đêm ngoài chòi rẫy cùng bà con canh chừng bọn thú rừng, bên bếp lửa nhà chòi, nghe các nghệ nhân hát thâu đêm suốt sáng. Câu chuyện về chàng Đăm Yông, Đăm Di, về anh em Yoong Yứ đạp núi núi lở, chạy trên mặt nước thần, cưỡi trên mây trên gió đánh bọn cướp cứu nàng H’Bia xinh đẹp về buôn với cảnh hoành tráng, rượu cần xếp từ trên nhà rông tràn xuống sân làng, người quanh vùng tới uống mừng chiến thắng.

Tôi cũng đã có nhiều lần say tít mù vì rượu cần, vì tấm lòng nồng hậu của bà con Tây Nguyên, và tôi rút ra một bài học. Nếu say tít thì hãy uống nữa, càng say tít càng uống nữa, uống đến khi rượu lạt rồi, rượu chỉ còn dính chút men lá rừng trong nước suối thôi, khi ấy ta tỉnh táo khỏe khoắn trở lại. Bạn có biết không, hồn rượu đã dìu ta ra khỏi cơn say tít trở về với cộng đồng đấy!

Trung Trung Đỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.