Tây Nguyên - vọng âm phố núi
Vọng âm phố núi đã giúp nhiều nhạc sĩ, ca sĩ thành danh và để lại những ca khúc bất hủ, tạo nên một Tây Nguyên âm nhạc đa thanh huyền ảo và cũng đầy cuốn hút.
Như Đà Lạt có quá nhiều bài hát hay về vùng đất của ngọn Langbian. “Ai lên xứ hoa đào” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên êm dịu và đắm đuối, quyến rũ đến nao lòng như mời khách viễn du chỉ một lần đặt chân đến đây là không dễ quên dù phải chia xa thành phố ngàn hoa.
Đà Lạt với khí hậu ôn đới và vẻ đẹp quyến rũ đã khiến nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn phải lòng khi viết nên ca khúc “Có một dòng sông đã qua đời” để tưởng niệm một mối tình giấu kín. Vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20, những ca khúc thời trai trẻ của nhạc Trịnh đã đem lại một sắc thái mới lạ, có khi tinh khôi đến ngỡ ngàng khi lập ngôn trong bài hát này: “Có người lòng như khăn mới thêu...”; hay nhạc phẩm “Hoa vàng mấy độ” đã ghi lại dấu vết cuộc tình với một người mang tên loài hoa vàng ở xứ sở sương mù: “Em cười đâu đó/ trong lòng phố xá đông vui...”. Tiếng ca vời vợi, nao nao vang lên ở một ngõ vắng nào đó của Đà Lạt như cốc rượu vang vừa đủ ấm nồng chảy vào tâm trạng một chiều sương ướt sũng...
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Rồi một Lê Uyên Phương với Đà Lạt là chôn nhau cắt rốn. Những tình ca ra đời ở đây trước năm 1975 vừa có vẻ rộn rạo, khát khao và khắc khoải, pha chất hiện sinh của trí thức thường thấy ở miền Nam lúc bấy giờ giữa thời buổi nhiễu nhương. “Theo em xuống phố trưa nay/đang còn ngất ngất cơn say/Theo em bước xuống cơn đau/bên ngoài nắng đã lên mau...” (Vũng lầy của chúng ta). Chính tác giả đã từng tâm sự, Đà Lạt với những ngọn đồi là chứng nhân và cũng là ân nhân với người nhạc sĩ.
Đã có một Vũ Hữu Định phát hiện Pleiku từ góc nhìn thi ca riêng mình trong bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một tác phẩm nhẹ nhàng, duyên dáng và sâu lắng, còn lại với thời gian: “Phố núi cao/phố núi đầy sương/Phố xá không xa/trời thấp thật buồn/Anh khách lạ đi lên đi xuống/May mà có em đời còn dễ thương...” (Còn chút gì để nhớ).
Thú vị là sau ngày nước nhà thống nhất, có thêm “Đôi mắt Pleiku” mênh mang của nhạc sĩ Nguyễn Cường, một nghệ sĩ trĩu nặng ân tình, duyên nợ với Tây Nguyên, như thể ông sinh ra là để viết Tây Nguyên theo cách của ông: Rock Tây Nguyên của Nguyễn Cường không trộn lẫn với ai. “Em đẹp lắm Pleiku ơi/Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/Không muốn nhìn vào đôi mắt ấy đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy...”. Phong cách của Nguyễn Cường mê đắm và phóng túng như bản sắc của mảnh đất này. Như thể khi ta lâng lâng vít cong cần rượu xuống mà uống cạn cao nguyên hùng vĩ và bí ẩn muôn đời.
Và cũng Nguyễn Cường như chậm lại nhâm nhi “Ly cà phê Ban Mê” tự tình, tự sự với “kinh đô” cà phê Tây Nguyên, thủ phủ cà phê của cả nước. Đó là chuyện trò, đối thoại, giao cảm cộng hưởng giữa đặc sắc hương vị cà phê và âm nhạc ân tình. Và cà phê như thế cũng khiến lòng người nhiều khi gặp được tri âm, tưởng chừng như chếch choáng.
Rồi chợt nhớ đến chàng lãng tử du ca Trần Tiến, một ngày kia gặp Tây Nguyên, xúc cảm dâng trào, tự nguyện hóa thân vào “Ngọn lửa cao nguyên” để cháy hết mình trước ân tứ đại ngàn.
Chỉ là một vài chấm phá, hy vọng sẽ có dịp gặp lại những thanh âm mê đắm...
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc