Multimedia Đọc Báo in

Truyền dạy nghề làm gốm thủ công của dân tộc M’nông

15:33, 31/10/2023

Sáng 31/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Bế giảng lớp truyền dạy và thực hành nghề làm gốm thủ công của dân tộc M’nông tại xã Yang Tao (huyện Lắk).

Tham gia lớp học từ ngày 17/10 đến nay, 20 học viên đến từ 6 buôn trên địa bàn xã Yang Tao đã cơ bản nắm bắt nội dung các nghệ nhân truyền dạy và bắt tay vào thực hành.

Ban tổ chức trao Giấy khen cho những học viên xuất sắc.

Đến nay hầu hết các học viên đã tự tạo ra được sản phẩm gốm đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ như: con voi, con trâu, tô, chén, bình hoa, ché…; có thể bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và đáp ứng được thị hiếu của khách du lịch.

Một số học viên còn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã mới lạ, được các nghệ nhân và du khách đánh giá cao.

Những sản phẩm của các học viên.

Trước đó, Ban tổ chức đã tặng các nghệ nhân, học viên các nguyên vật liệu và đồ nghề làm gốm: bộ cối chày bằng gỗ, gùi dùng cho việc lấy đất; vòng tre; viên đá cuội; vải miết láng… để phục vụ quá trình học và sử dụng lâu dài tại địa phương.

Tại Lễ bế giảng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận cho 20 học viên đã hoàn thành lớp truyền dạy; tặng Giấy khen cho 5 học viên có thành tích xuất sắc.

Nghệ nhân, học viên giới thiệu về cách làm gốm và các sản phẩm gốm đến du khách.

Được biết, lớp truyền dạy nằm trong Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lớp truyền dạy nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề làm gốm thủ công; mở ra cơ hội để nghề gốm nơi đây có điều kiện phát triển gắn liền với du lịch; đồng thời cũng tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào và ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.