Hành trình trên đất phù sa
Tôi sinh ra, lớn lên ở Tây Nguyên, nơi có thừa núi cao, suối sâu nhưng không có cái mênh mông của sông nước miệt vườn, càng không mấy khi có dịp được nghe đờn ca tài tử, xem cải lương “sống” như miền Tây Nam Bộ.
Vì lẽ đó mà hình ảnh miền quê có chiếc ghe chòng chành xuôi theo con kênh, có chiếc khăn rằn khoác hờ lên vai thiếu nữ mặc áo bà ba… gợi thương nhớ lạ thường.
Miền Tây vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 đang là mùa nước nổi. Đường về miền Tây thời điểm này ngang qua những cánh đồng chưa kịp mênh mông nước nhưng đã điểm xuyết vài chùm bông điên điển trổ vàng. Chúng tôi không nhớ hết mình đã đi qua bao nhiêu cây cầu lớn nhỏ. Ở đây, dường như xã với xã, huyện với huyện ngăn nhau bởi cây cầu, rạch sông.
Trải nghiệm chèo ghe ở Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quang Ánh |
Giữa đồng bằng Nam Bộ mênh mông rộng lớn, những con sông đỏ nặng phù sa. Sông không vội mà cứ từ từ, chậm rãi đổ về mang theo niềm vui của người dưới xuôi với những sản vật phong phú chỉ có vào mùa nước nổi. Phong cảnh, con người hiện ra bình yên đến lạ. Đồ rằng, ai đã một lần đến miền Tây vào mùa nước nổi, cũng như tôi, rất dễ bị sắc trời ấy chiếm trọn tâm hồn.
Đúng chất miền sông nước khi chúng tôi xuôi về Cần Thơ, lên thuyền qua chợ nổi Cái Răng với tấp nập cảnh mua bán trên sông gợi nhớ cái nhộn nhịp của “trên bến dưới thuyền” một thuở. Dọc miền sông nước Đồng Tháp - Vĩnh Long - Bạc Liêu là cảnh nhà sát bờ sông, những con lộ quanh co rợp bóng dừa.
Dừng chân ở Đồng Tháp, thi vị biết chừng nào khi chèo ghe khám phá rừng tràm ở Gáo Giồng của huyện Cao Lãnh, nghe tiếng đạp nước của lũ cá vẫy dưới mương sâu quanh mấy bụi sen hồng. Trên sông nước dập dềnh, chiếc ghe nhỏ đưa chúng tôi len lỏi qua những khúc sông, ngang qua hàng cây tỏa rợp bóng, hơi mát phả lên thật dễ chịu.
Mùa nước nổi đang về trên đồng bằng sông Cửu Long. Xa xa trên những con rạch, dòng sông có mảng lục bình trôi, điểm xuyết vào bức tranh hữu tình đó là chấm vàng của nhành điên điển nở dọc ven sông. Đẹp đó nhưng sẽ được các chị, các cô nhanh tay hái vội về nấu canh chua hay lẩu cá linh, lẩu mắm... đãi khách phương xa. Tôi cũng không hiểu lý do gì mà cá linh - loại cá một năm chỉ về vào mùa nước nổi - mà phải là cá linh đầu mùa, mang nấu với bông điên điển thì mới làm nên món canh hoặc lẩu “huyền thoại” gây thương nhớ. Bữa cơm đãi khách phương xa có món cá linh đầu mùa tươi rói vừa mềm vừa béo kết hợp với bông điên điển ngon ngọt, bùi bùi và đắng nhẹ không thể không nhớ mãi. Hay nồi lẩu mắm vừa mang ra đã làm “sực nức” lòng bao người vì mùi vị tỏa ra “gây hấn”, lại vừa đẹp mắt bởi có màu vàng mỏng manh của bông điên điển, trắng ngà của bông so đũa, hồng mến yêu của đọt súng giữa độ non tơ…
Duyên dáng trong chiếc áo bà ba cùng chiếc khăn rằn Nam Bộ. Ảnh: Giang Nam |
Về miền Tây ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, chúng tôi còn được những người bạn thịnh tình thiết đãi đầy ắp những đặc sản, món ăn đậm vị như: lẩu rắn nước, chuột đồng, cá lóc nướng trui… Chưa hết, còn được thưởng thức vị béo bùi của củ ấu sừng trâu - đặc sản của vùng đầm lầy - đã nghe nhắc nhiều trong câu ca quen thuộc "thương nhau củ ấu cũng tròn"... Thú thật, món ăn nào của người miền Tây cũng ngon và có hơi ngọt thật, nhưng “cái ngọt” tình và hào sảng mến khách.
Người miền Tây có giọng nghe mềm mượt, trong và “ngọt như mía lùi” nhưng lại chân tình. Chúng tôi thích, và rồi yêu người miền Tây cũng vì cách dùng từ “cưng, hen” bằng giọng điệu thoải mái vô cùng. Có lẽ vì thế mà khi dừng chân trước một quầy hàng lưu niệm ở Cần Thơ, trước nụ cười thật tươi và chất giọng nhẹ nhàng của cô bán hàng mặc chiếc áo bà ba màu cỏ non, ai trong chúng tôi cũng... ngẩn ngơ. Và rồi vì “niềm yêu” ấy mà có anh trai trong đoàn đã mua đến 6 chiếc khăn rằn, chỉ để… “gói ghém” hết tình miền Tây mang về Tây Nguyên. Mấy chị em trong đoàn thì hớn hở, nhất định phải quàng khăn rằn, mặc áo bà ba khoe dáng chụp vài bức ảnh để chia sẻ niềm hứng thú với bạn bè.
Trên vùng đất chín rồng, chính ở không gian sông nước hữu tình này, chúng tôi nhận ra tấm lòng thơm thảo của người miền Tây và thổn thức khi nghĩ đến lúc nói lời chia tay. Cả đoàn ai cũng có chung một cảm giác thân quen như những người con xa quê về thăm lại chốn xưa. Chúng tôi đã mang theo nghĩa tình miền Tây với nhiều thương nhớ trở về Tây Nguyên, kể cho bạn bè nghe về hành trình trên đất phù sa để có thêm nhiều người yêu nét duyên của miền sông nước như chúng tôi đã từng...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc