Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023:
Thông điệp về bảo tồn bản sắc văn hóa
Diễn ra từ ngày 18 đến 20/11, với sự tham gia của cộng đồng các dân tộc anh em cùng sống trên địa bàn tỉnh, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023 (Ngày hội) đã thu hút đông đảo du khách, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các dân tộc.
Đến với Ngày hội, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như: thi trình diễn các đặc trưng văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu, truyền thống; trình diễn nghi thức rước rể của người Êđê buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột); trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa – du lịch tiêu biểu; chế biến, giới thiệu các món ăn, thức uống truyền thống của các dân tộc, cùng các hoạt động để mọi người có thể tham gia trải nghiệm như: trò chơi dân gian, trình diễn nghề gốm nung lộ thiên của dân tộc M’nông (xã Yang Tao, huyện Lắk)…
Một phân đoạn trong nghi thức rước rể của người Êđê buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Đến từ xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, bà Lò Thị Thanh Nga (dân tộc Thái) hào hứng: “Từ ngày có kế hoạch tham gia Ngày hội, chúng tôi rất háo hức chuẩn bị, đến đây tham dự đúng là rất vui. Ngoài được giới thiệu văn hóa của dân tộc mình, tôi còn biết thêm nhiều nét độc đáo trong văn hóa các dân tộc anh em…”.
Một trong những hoạt động ấn tượng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự là chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và bế mạc Ngày hội. Chương trình với những tiết mục hấp dẫn, đa dạng thể loại như hát, múa, trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số được dàn dựng công phu. Các sắc màu văn hóa hòa quyện trong âm nhạc truyền thống và hiện đại đã khơi dậy lòng tự hào về bản sắc văn hóa quý báu của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên mảnh đất này.
Hoạt động trình diễn nghi thức rước rể của người Êđê buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) với những nét văn hóa độc đáo cũng được nhiều người quan tâm. Văn hóa truyền thống của người Êđê theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ có vai trò, quyền lực đặc biệt trong gia đình, khi người con gái ưng bụng chàng trai nào thì về nói với cha mẹ, nhờ người mai mối đến cưới hỏi làm chồng. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà.
Ngày nay, bà con tổ chức lễ cưới hiện đại hơn, nhưng thông qua hoạt động trình diễn nghi thức rước rể, thế hệ trẻ được tìm hiểu, tiếp cận phong tục tập quán truyền thống, giữ gìn các nghi thức cưới hỏi, văn hóa truyền thống mẫu hệ, nét sinh hoạt văn hóa hôn nhân độc đáo của người Êđê ở Tây Nguyên.
Chị Tạ Thị Phương Oanh, du khách đến từ Tây Ninh tỏ ra thích thú: “Tôi thấy trong quá trình di chuyển đoàn rước rể sẽ gặp một số chướng ngại, khó khăn như bị người thân của gia đình nhà gái trêu ghẹo, chặn đường, gây khó dễ, đoàn rước rể đã có cách đối đáp hợp lý để vượt qua. Qua tìm hiểu, tôi biết điều này thể hiện sự quyết tâm, kiên định của đôi bên trên chặng đường hôn nhân. Điều này thật sự rất ý nghĩa”.
Những du khách nước ngoài trò chuyện cùng các nghệ nhân làm gốm người M'nông (xã Yang Tao, huyện Lắk). |
Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột cho hay, trình diễn nghi thức rước rể của người Êđê là hoạt động giới thiệu cho người dân và du khách về nét đẹp văn hóa của người Êđê; cũng là một trong những nội dung mà thành phố dự kiến sẽ phục dựng và giới thiệu cho du khách tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới.
Những chương trình, hoạt động ở Ngày hội đã truyền đi thông điệp về sự độc đáo, đặc sắc trong văn hóa truyền thống các dân tộc, cũng như câu chuyện tôn vinh, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc