Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mãi người thầy nghệ sĩ

08:49, 19/11/2023

Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Cảnh Dương là người có triển lãm ảnh cá nhân đầu tiên ở Đắk Lắk, và ông cũng là nghệ sĩ đầu tiên của tỉnh được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh gắn bó với Tây Nguyên

Cảnh Dương tên thật là Hoàng Cảnh Dương, sinh ngày 14/10/1952 tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Ông bị ung thư gan và mất năm 2007. Tuổi trẻ của ông cũng như hàng triệu thanh niên Việt Nam theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ xung phong vào Nam chiến đấu. Sau ngày đất nước giải phóng, ông ở lại Tây Nguyên, công tác tại Sở Văn hóa Đắk Lắk.

Chân dung thầy Cảnh Dương do học trò Vũ Duy Thương chụp.

Yêu nhiếp ảnh, ông mày mò sửa máy ảnh cũ của cơ quan để làm phương tiện tác nghiệp. Bức ảnh đầu tiên của ông có tên là “Vươn tới” ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của giới nhiếp ảnh thời đó. Cảnh Dương đã chụp ngọn bầu bám vào hàng rào dây thép gai tại sân bay L.19 - tàn tích của Mỹ ngụy còn sót lại sau giải phóng. Bức ảnh thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên của cây cỏ cũng là ý chí, khát vọng của người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình quyết tâm vượt lên sau những đổ nát do chiến tranh gây ra.

Yêu Tây Nguyên, nhân vật trong tác phẩm của Cảnh Dương là mảnh đất, con người Tây Nguyên. Ông xoáy sâu vào con người, với những tác phẩm nổi tiếng như “Âm vang Tây Nguyên”, “Người mẹ cầm súng”, “Hồn Tây Nguyên”… thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền đặc trưng. Như trong tác phẩm “Già làng vác chóe rượu cần”, nhân vật chính như một bức phù điêu với hình khối, chạm khắc tinh xảo. Ở đó, đường nét, ánh sáng như được cô đọng. Tất cả màu thời gian trong tác phẩm đậm đặc ở chóe rượu, ánh mắt, màu da, bàn tay gân guốc, những vết hằn chai, khắc khổ trên đầu gối của người già... Hay trong bức ảnh “Âm vang Tây Nguyên”, hình ảnh người nghệ nhân gõ vào chiếc chiêng lớn trong không gian núi rừng mà khiến cho người xem như nghe thấy âm vang của cả đại ngàn hùng vĩ dội vào tâm tưởng. Cùng tác phẩm “Vươn tới”, các tác phẩm “Âm vang Tây Nguyên”, “Người mẹ cầm súng” của nghệ sĩ Cảnh Dương đã được triển lãm ở La Habana (Cu Ba).

Người thầy nghệ sĩ

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cảnh Dương cũng là người thầy mẫu mực của bao lớp học trò nay đã thành danh như: Minh Tâm, Võ Thu Hiền, Duy Phụng. Nổi bật trong số đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Duy Thương - được xem là người kế thừa và gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật. “Có người bảo Vũ Duy Thương sao nguyên bản của thầy Cảnh Dương. Đúng là mình bị thầy chi phối rất nhiều và tôi là học trò của thầy, không giống thầy thì giống ai…”, Vũ Duy Thương chia sẻ.

 

“Ảnh nghệ thuật phải hội tụ đủ ba yếu tố chân, thiện, mỹ. Chân là chân thật. Thiện là những gì hướng con người mình làm những điều thiện, tốt đẹp an lành, tránh xa những điều xấu. Mỹ là những gì đẹp nhất…”.

 
Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Cảnh Dương

Khi đang học lớp 10, Vũ Duy Thương tình cờ gặp thầy Cảnh Dương đang chụp ảnh ở Xí nghiệp Cà phê Việt Đức. Anh nhớ lại: “Thấy tôi dõi mắt thèm khát theo từng góc máy, thầy gọi tôi lại hỏi chuyện và tôi đã thành học trò của thầy từ ngày ấy. Tôi được thầy chỉ dạy từng li, từng tí như muốn có ánh sáng ngang dưới bóng cây, bạn phải cho nhân vật quay một vòng, khi ánh mắt của nhân vật long lanh thì bạn chụp. Rồi như thế nào là bố cục rèm? Như thế nào là xóa phông? Sử dụng tốc độ, khẩu độ bao nhiêu, ống kính gì? Khi chụp khuôn mặt cô gái để làm cao cái mũi lên phải sử dụng ánh sáng chiếu nửa mặt, có tam giác sáng ở bên vùng tối, làm che bớt một phần của khuôn mặt. Chụp macro siêu cận cảnh, không cần thấy miệng, chỉ chụp ánh mắt, biết người ta đang buồn hay vui. Sau nhiều năm thực hành và chiêm nghiệm trên thực tế, tôi vô cùng khâm phục về những kiến thức thầy đã truyền dạy cho chúng tôi”.

Trong ký ức của nhiều học trò, Cảnh Dương còn hiện lên như một người thầy quả cảm để chiến thắng bệnh tật. Một lần thầy Cảnh Dương được một tổ chức ở Pháp ký hợp đồng chụp bộ ảnh về đồng bào M’nông ở huyện Lắk. Lúc này dù đã phát hiện mắc ung thư giai đoạn cuối, thầy vẫn dẫn đoàn 10 học trò đi về huyện Lắk sáng tác. Đến nơi, tuy rất mệt nhưng khi đứng trước những mái nhà rất đẹp của đồng bào M’nông, nghệ sĩ Cảnh Dương như người truyền cảm hứng khiến tất cả những người đi theo quên hết mệt nhọc, say sưa bấm máy.

Tác phẩm "Già làng vác chóe rượu cần" của nghệ sĩ Cảnh Dương.

“Thầy đã dạy và truyền cảm hứng cho tôi. Thầy không chỉ giúp tôi nắm vững kiến thức về nhiếp ảnh mà còn khuyến khích tôi khám phá và thể hiện sự sáng tạo của mình qua ảnh nghệ thuật. Nhờ có thầy tôi đã học được cách nhìn thế giới chung quanh một cách khác biệt và tìm thấy niềm đam mê trong việc chụp ảnh nghệ thuật. Tôi vẫn nhớ khi lâm bệnh nặng, sức khỏe sa sút, thầy vẫn cố gắng thức cả đêm để chỉ dạy cho tôi đường dẫn, ánh sáng, đường nét... bằng những lời nhẹ nhàng, dễ hiểu nhất. Từ một người thợ chụp ảnh dịch vụ, tôi đã vinh dự được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi mãi mãi nhớ và biết ơn thầy…”, Vũ Duy Thương trải lòng.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.