Multimedia Đọc Báo in

Người đưa nét đẹp thổ cẩm vươn xa

08:26, 07/12/2023

Những ai biết đến bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đều nhắc và nhớ về một người phụ nữ miệt mài, đau đáu với việc giữ gìn và phát triển nghề dệt, đưa sắc màu thổ cẩm gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê ngày một vươn xa.

Hơn 20 năm trước, khi còn là chi hội trưởng chi hội  phụ nữ, bà H’Yam đã trăn trở khi thấy nghề dệt của dân tộc mình ngày càng mai một. Xuất phát từ mong muốn khôi phục nghề dệt để tạo thêm việc làm cho chị em, bà H’Yam đã vận động một số phụ nữ trong buôn mua khung dệt, nguyên vật liệu và tập dệt vải, làm những sản phẩm thổ cẩm đơn giản để tiếp cận thị trường. Từ vận động của bà H’Yam, năm 2003, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông được thành lập.

Bà H’Yam kể: Ban đầu, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ vì mẫu mã đơn giản, chất lượng chưa cao. Với vai trò là Chủ nhiệm HTX, bà phải liên tục động viên chị em kiên trì rèn luyện, nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, bà cũng tự bỏ kinh phí, lặn lội đến khắp các tỉnh thành vừa giới thiệu sản phẩm, vừa tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường, thị hiếu của khách hàng. Trong mỗi chuyến đi, bà không ngừng quan sát, học hỏi thêm nhiều hoa văn của các dân tộc, cách pha phối màu, thiết kế, kiểu dáng để hướng dẫn các chị em cùng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm từ chất liệu thổ cẩm.

Bà H’Yam Bkrông (thứ hai từ phải sang) trao đổi với các thành viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông về cách dệt truyền thống. Ảnh: Nguyễn Gia

Những nỗ lực không mệt mỏi ấy của bà được đền đáp khi HTX dần có doanh thu ổn định và tăng trưởng đều đặn. Thành viên HTX cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ nghề dệt, làm động lực vươn lên thoát nghèo, chăm lo cải thiện đời sống. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, HTX đã đầu tư thêm các máy xếp sợi, quấn thoi, máy dệt… tạo ra phân khúc sản phẩm có giá thành cạnh tranh hơn, phát triển song song với các sản phẩm dệt thủ công. Không chỉ có sản phẩm lưu niệm, HTX còn nhận được nhiều đơn hàng cung cấp vải thổ cẩm làm nguyên liệu để pha phối, ứng dụng vào các sản phẩm thời trang hiện đại như váy cưới, áo dài…

Bên cạnh việc hỗ trợ bà con trong buôn, bà H’Yam còn tham gia các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ở các địa phương trong tỉnh, kết nối tạo việc làm cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số. Bà cũng tích cực tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, phục dựng các nghi lễ, nghề truyền thống nhằm lan tỏa các nét đẹp của thổ cẩm gắn liền với đời sống của dân tộc mình đến đông đảo bạn bè, du khách gần xa.

Từ sự hồi sinh của nghề dệt, bà con buôn Tơng Jú đã quan tâm hơn đến việc giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống. Với vai trò là người có uy tín trong buôn, bà H’Yam lại tiếp tục vận động người dân chỉnh trang cảnh quan, tu sửa nhà sàn, phát triển các nghề truyền thống như tạc tượng, ủ rượu cần, biểu diễn cồng chiêng… để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng. Những đổi thay về nếp nghĩ, cách làm đã đưa buôn Tơng Jú trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong hành trình khám phá đời sống, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Những đóng góp của bà H’Yam đã được ghi nhận với nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý. Nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là được thấy những đổi thay của buôn làng gắn liền với sự phát triển của nghề dệt thổ cẩm. Tất thảy tâm huyết, niềm đam mê của bà đang được truyền lại cho thế hệ sau để cùng chung sức phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm giàu cho buôn làng, cho quê hương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.