Multimedia Đọc Báo in

Nối dài hành trình di sản áo dài

15:06, 27/12/2023

Việt Nam hiện đang hướng tới việc đưa áo dài trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là đề nghị Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Để làm được điều này không chỉ cần lộ trình phù hợp mà còn phải có sự chung tay của rất nhiều tập thể và cá nhân.

Với phụ nữ Việt, dù ở lứa tuổi nào thì áo dài đã trở thành trang phục không thể thiếu, là trang phục chuẩn mực để mặc trong những dịp đặc biệt, ngày lễ quan trọng. Chính vì vậy, áo dài đã đi vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có những cách tân, biến tấu nhưng vẻ đẹp và bản sắc của tà áo dài vẫn được giữ gìn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam chia sẻ: “Áo dài Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời và đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng cho văn hóa, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, là trang phục tiêu biểu và quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống”.

Phần trình diễn trang phục áo dài tại Lễ ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk.

Hiện nhiều đơn vị hữu quan đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu thập thông tin lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho áo dài. Ở Đắk Lắk, việc bảo tồn và phát huy di sản áo dài được triển khai ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị, với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc trong các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, các sự kiện.

Là thành viên của Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam, trực thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 100 thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Mới đây nhất, câu lạc bộ đã tổ chức đồng diễn áo dài tại quảng trường 10/3 với sự tham gia của 1.000 chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Hoàng Mai (TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Áo dài Việt Nam kín đáo và duyên dáng. Bản thân tôi rất yêu thích và thường xuyên mặc áo dài vào một vài ngày trong tuần và trong những dịp quan trọng. Tham gia các hoạt động của câu lạc bộ, tôi càng mong muốn và hy vọng rằng mình sẽ góp phần lan tỏa vẻ đẹp của áo dài ra khắp bốn phương”.

Ngoài ra, câu lạc bộ còn tổ chức chương trình nghệ thuật, trình diễn gần 500 bộ áo dài được thiết kế từ nhiều chất liệu; thể hiện vẻ đẹp áo dài qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua văn hóa từng vùng, miền… Hoạt động đấu giá những bộ áo dài trong chương trình được người tham dự nhiệt tình hưởng ứng càng thêm khẳng định và tạo ấn tượng về vẻ đẹp nhân văn và đa sắc của áo dài.

Họa tiết thổ cẩm trong những bộ áo dài của nhà thiết kế Trung Beret, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh việc giữ gìn, phát huy vẻ đẹp tà áo dài truyền thống nói chung, câu lạc bộ cũng quan tâm đến việc bảo tồn, tôn vinh không gian văn hóa của áo dài, không gian nghề thủ công làm ra chiếc áo dài và cả nguyên vật liệu, nghệ nhân... Theo nhà thiết kế Trung Beret, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ thì không chỉ trang phục áo dài mà những yếu tố tạo nên áo dài cũng là di sản. Vì vậy, tận dụng lợi thế ở Đắk Lắk, Tây Nguyên có sản phẩm vải thổ cẩm của các dân tộc thiểu số được người tiêu dùng yêu thích, câu lạc bộ hướng tới sẽ là một trong những cầu nối, giới thiệu và sử dụng thổ cẩm các dân tộc để thiết kế nên những bộ áo dài, lan tỏa vẻ đẹp của Việt Nam nói chung và sự độc đáo hấp dẫn của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Những hoạt động này không chỉ khẳng định sức sống của tà áo dài trong cộng đồng mà còn tạo điều kiện để người dân giữ gìn được được nghề dệt truyền thống và tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin rằng, hành trình đưa áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không còn xa; mỗi một đơn vị, cá nhân trong cộng đồng với những hoạt động thiết thực, nhân văn sẽ là một mảnh ghép nối dài đưa hành trình về đích đúng như mục tiêu đã kỳ vọng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.