Multimedia Đọc Báo in

Ý nghĩa giáo dục trong truyện cổ M'nông

05:25, 03/12/2023

Cũng như các dân tộc láng giềng, dân tộc M’nông còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, phong phú và độc đáo. Trong kho tàng ngữ văn truyền miệng, đồng bào có sử thi, ca dao, tục ngữ, lời nói vần, đặc biệt là truyện cổ.

Truyện cổ M’nông có sự hòa quyện giữa thần thoại, truyền thuyết, cổ tích và ngụ ngôn. Trong mỗi câu chuyện vừa có nội dung cổ tích, vừa có tính chất ngụ ngôn hoặc đôi khi mang màu sắc thần thoại nhưng lại chứa đựng chất cổ tích. Đặc biệt, trong các truyện cổ về loài vật có sự hòa quyện đậm nét truyện cổ tích thế sự, sự tích và ngụ ngôn.

Truyện cổ tích của dân tộc M’nông giải thích tự nhiên, sự vật và hiện tượng một cách hồn nhiên, lý thú. Trong các câu chuyện kể về loài vật, ta sẽ thấy “có lý” vì sao con kiến ăn mỡ, vì sao con khỉ hay hái trộm hoa màu trên rẫy, vì sao con cọp sợ ná, con voi sợ dùi...

Qua chuyện kể, thể hiện cảm quan thơ ngây, hồn nhiên về đời sống tự nhiên, xã hội vừa lãng mạn, vừa trần tục, vừa thực tế, vừa hư ảo, hoang đường. Truyện kể về loài vật của đồng bào khá phong phú, đa dạng. Mỗi câu chuyện đều ẩn chứa tính hài hước, vui nhộn, vừa có tính chất giải trí, vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Bìa cuốn “Truyện kể về các loài vật” do NXB Văn hóa dân tộc xuất bản.

Đối với người M’nông, truyện cổ không những giúp người ta hiểu biết về lịch sử tộc người mình, mà còn giúp bà con làm việc bền bỉ và hăng say hơn. Chuyện kể thường diễn ra ở nhà trong lúc rảnh rỗi hoặc lúc nghỉ ngơi, thư thái trên chòi rẫy trong đêm về sau một ngày bận rộn với nương rẫy. Đến mùa tra hạt hoặc giữ canh lúa, hoa màu khỏi chim chóc, thú rừng phá hoại hay mùa thu hoạch, đồng bào M’nông thường ở lại trong những cái chòi làm sẵn trên rẫy. Trong thời gian đó, sau lúc lao động mệt nhọc, đêm đến, cơm nước xong, người ta rủ đến chòi của già làng, người biết kể những câu chuyện xưa để được thả hồn vào thế giới huyền thoại. Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, trẻ già, nam nữ ngồi bên nhau nghe kể những câu chuyện xưa.

Đồng bào M'nông coi trọng việc giáo dục con cháu, xem đây là trách nhiệm của ông bà, cha mẹ và các vị già làng. Đồng bào giáo dục con cháu thường xuyên, liên tục.

Tuy không có chương trình, bài bản quy định rõ ràng nhưng luôn sát hợp với thực tế, gắn với những sự việc xảy ra hằng ngày để nhắc nhở, uốn nắn con cháu làm đúng, làm việc tốt, tránh những điều xấu có hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xưa kia, khi chưa có trường lớp, buổi sáng, buổi tối là lớp học duy nhất của thanh niên, trẻ nhỏ. Những người già vừa làm việc riêng của mình vừa kể chuyện cổ tích, sử thi cho đàn trẻ con. Mỗi buổi kể một câu chuyện cổ. Thanh niên nào đã được nghe câu chuyện mà người lớn vừa kể thì ra rẫy thử kể lại, sai chỗ nào thì cha mẹ và người lớn nhắc thêm.

Buổi tối, người già đọc những câu vần trong vốn ca dao, tục ngữ, hát kể sử thi, chuyện cổ và dạy cho chúng nhớ cốt truyện và thuộc lòng những câu ca. Truyện cổ nói chung, chuyện kể về loài vật nói riêng là món quà tinh thần quý báu dành cho trẻ em. Qua câu chuyện sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng, là phương tiện để cảm nhận thế giới và hiểu biết xã hội, hình thành nhân cách của con trẻ.

Sắc màu cao nguyên M'nông.

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn M’nông là các con vật được nhân cách hóa với cách ứng xử, lời ăn tiếng nói sinh động, có hồn. Đó là con voi, con thỏ, con cọp, con rùa, con chó, con mèo, con cò, con nai, con mang... Nhưng nổi bật nhất là con voi trong chuyện kể về các loài vật. Dân tộc M’nông là tộc người gắn bó lâu đời với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nên voi được xem là con vật linh thiêng nhưng gần gũi, người bạn thân thiết của buôn làng. Trong truyện cổ, con voi xuất hiện tạo nên những chi tiết sống động, hấp dẫn chẳng những ở truyện cổ tích thế sự, truyền thuyết mà còn trong những truyện sự tích và ngụ ngôn. Bên cạnh đó, thỏ và cọp là hai nhân vật được ưu ái nhiều nhất. Qua hàng loạt truyện kể như “Cọp và rùa”, “Thỏ, cọp và bó tranh”, “Cọp bị thỏ chơi khăm”, “Thỏ lừa cọp xuống giếng”..., dân gian đã tạo ra hai nhân vật đối chọi nhau: Cọp hung dữ hay bắt nạt các con vật khác nhưng lại ngờ nghệch, khờ khạo và chú thỏ tinh khôn, hào hiệp, phóng túng nhưng đôi lúc hay giở trò ranh mãnh. Qua hình ảnh con cọp, dân gian đã phê phán sự dốt nát, cả tin của con người và nhắc nhở ai đó nên thận trọng kẻo “tin bợm mất bò”. Những câu chuyện kể về loài vật đưa ra, gợi mở một quan niệm sâu sắc rằng trí khôn là vốn quý nhưng phải biết dùng cho đúng, phải sống ngay thẳng, thật thà và hãy biết sống bình đẳng, hòa thuận với nhau.

Trong thời gian qua, các loại hình văn học dân gian của dân tộc M’nông như sử thi, lời nói vần, truyện cổ... đã được các cơ quan chức năng, các nhà folklore trong nước quan tâm sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản. So với các loại hình văn học dân gian khác, truyện cổ dễ phổ biến trong môi trường học đường, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với học sinh, thiếu nhi con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần sưu tầm, xuất bản để đưa truyện cổ hay, đặc sắc, có giá trị về nội dung và nghệ thuật ngôn từ trở về lại với lớp trẻ, góp phần giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của thế hệ trẻ các buôn làng Tây Nguyên.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.