Hình hài của gió
Trong nhiều tác giả người Pháp nghiên cứu về Tây Nguyên thời thực dân khai phá và khai thác thuộc địa như Henri Maitre, Georges Codominas, Piere Dourisboure, Jean Boulbet…, tôi đặc biệt ấn tượng với Jacques Dournes.
Bởi ông đã nói ra một điều giản dị mà sâu sắc, rằng với vùng đất Tây Nguyên, đừng có hiểu rồi mới yêu mà hãy yêu đi rồi hiểu. Nói sâu sắc, bởi phàm nghiên cứu khoa học phải bắt đầu từ lý trí. Nhưng Tây Nguyên, vùng đất và con người nơi đây là một thực thể bí ẩn và quyến rũ, với một dòng chảy văn hóa sâu trầm, thăm thẳm. Nếu anh cố công mà hiểu để rồi yêu, anh sẽ chỉ như một chiếc lá rơi lạc giữa mênh mông đại ngàn. Anh cứ yêu đi rồi anh sẽ hiểu, đại ngàn chỉ dẫn cho anh mỗi chiếc lá là một sắc thái văn hóa trộn lẫn nhưng khác biệt, khởi đầu hay kết thúc cũng chỉ là một, và quan trọng khi yêu rồi, trái tim anh cùng chung nhịp đập với Tây Nguyên, anh sẽ nhận ra những điều mà lý trí không kịp, không thể nhận ra.
Lần đầu đến với Tây Nguyên, khi còn là sinh viên, tôi gặp gỡ Đà Lạt. Thành phố ngàn hoa cực nam Tây Nguyên này lúc ấy còn nhiều thông xanh, phố núi trập trùng. Rất đẹp, nhưng thú thực tôi chưa nhìn ra một Tây Nguyên như hình dung. Phải đến lần sau, khi chạm mặt với Buôn Ma Thuột, tôi biết giấc mơ Tây Nguyên của mình đã hiện ra. Nếu có thể vẽ một bức tranh siêu thực kể về cảm giác của tôi lúc đó chắc sẽ là những vệt nâu đỏ chủ đạo, xung quanh vài vệt xanh và có những khoảng trống mờ ảo. Tại sao là những khoảng trống? Chỉ vì tôi muốn vẽ những ngọn gió mà không tài nào vẽ được. Nói vậy để thấy, những ngọn gió ở cao nguyên đã thổi vào hồn tôi một tình yêu ngay từ buổi ban đầu.
Vũ điệu cồng chiêng. Ảnh: Hữu Hùng |
Gió thì ở đâu cũng có, ở đâu cũng là gió. Gió mùa đông bắc căm căm, gió Lào nung nóng râu tóc, gió đồng bằng duyên hải trượt dài vào khoảng không vô tận. Nhưng gió cao nguyên thì khác. Nó lạ lắm. Nhất là mùa khô và những ngày cuối năm cũ chờ sang năm mới. Đang thổi tưng bừng như lễ hội, có khi bụi mù trời, lá reo muôn ngả, nhưng đột ngột có khoảnh khắc gió dừng lại. Dừng lại chỗ này thôi nhưng chỗ kia vẫn gió. Và hơi gió cũng không giống nơi nào. Nghiêng tai lắng nghe sẽ nhận ra một vài hòa âm, tiếng lá xào xạc của rừng già lẫn vào tiếng thác chảy, tiếng cồng chiêng rung ngân cùng đàn đá, tiếng cười của những cô gái đi gùi nước và tiếng già làng kể khan… Mùi gió càng lạ. Chút nồng nàn ẩm ướt của đất đỏ bazan, mùi lá cây rừng thơm hăng và mùi lúa rẫy đang vào giấc tròn hạt. Thử nếm đi, gió dường như có vị ngọt của suối nguồn trong vắt, của rượu cần lên men, vị cá nướng và cà đắng trộn lẫn vào nhau. Thử nhắm mắt đi, sẽ hình dung ra màu của gió, màu lửa hồng trong đêm lễ hội, màu dã quỳ nơi thung sâu và váy áo của những cô gái lắc lư theo nhịp cồng chiêng…
Tôi tin gió cao nguyên có linh hồn. Người Tây Nguyên cho rằng các em bé khi sinh ra chỉ là thực thể tự nhiên, chưa trở thành người. Muốn trở thành người, các em bé phải được làm lễ thổi tai. Nghĩa là có một ngọn gió nhỏ mang theo linh hồn thổi vào cơ thể em bé, từ đây em bé sẽ lớn lên, trở thành con người đúng nghĩa. Vậy gió là nam hay nữ, đàn ông hay đàn bà? Tôi nghĩ, gió cao nguyên mang tính nữ. Không tin, hãy đọc lại những gì các nhà dân tộc học đã nghiên cứu, đã viết. Ở Tây Nguyên, những gì huyền diệu, sâu xa và mờ ảo đều mang tính nữ. Lễ thổi tai cho các em bé là công việc của những bà mụ quyền uy trong buôn làng đó thôi. Hay rượu cần, thứ đệ nhất danh tửu ở Tây Nguyên không có bàn tay của người đàn ông. Nghe kể, để làm nên rượu cần, các chị, các mẹ phải vào tận rừng sâu hái các loại lá, rễ, vỏ cây chỉ họ biết. Rồi mang về tự tay làm men, trộn các loại ngũ cốc để làm ra thứ nước chưng cất ngọt ngào và say đắm…
Một nhà văn từng nói, bản chất của người Tây Nguyên là nghệ sĩ. Nghệ sĩ thì tự do, phóng khoáng, như những ngọn gió. Anh hùng Núp, ngọn gió lớn lên từ cách mạng nhưng cuối đời lại thổi về cố hương Kon Chơro như một người Bana thực thụ. Nhạc sĩ Y Yơn, kẻ hát rong như trong thần thoại Hy Lạp, hát hay đến nỗi nhiều kẻ theo FULRO nghe ông hát đã hồi chánh, quay về buôn làng. Ông đã từng được Giải thưởng âm nhạc Hoàng Mai Lưu danh giá nhưng vẫn bỏ về quê dựng chòi ven suối. Cũng chỉ để làm người hát rong. Gặp ai, Y Yơn chỉ muốn đàn và hát bài Gọi con heo, một bài dân ca bất hủ của âm nhạc dân tộc Tây Nguyên. Rồi H’Ben, cô diễn viên múa xinh đẹp nổi tiếng một thời, rời thủ đô cùng chồng lang thang những năm cuối cuộc đời chỉ để sưu tầm dân ca, dân vũ, sợ không làm kịp thì nó sẽ mai một. Nói đến đây tôi lại nhớ những người bạn của tôi. Cố ca sĩ Y Moan thực sự là ngọn gió, thổi hoang hoải và cháy lòng với những khúc ca trên thảo nguyên M’Drắk. Y Phôn Ksor, chàng nhạc sĩ, ca sĩ tài hoa với những ca khúc mà ca từ mới nghe đã hình dung ra bước chân du mục như những ngọn gió: “Một mình lang thang trên đất này. Theo dấu chân cha ông từng ngày. Một mình qua sông qua núi đồi. Tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời”…
Tôi đã dông dài như ngọn gió. Bởi nhiều khi nằm chốn thị thành miền xuôi, tôi cứ mong ngày trở lại Tây Nguyên, trở lại Ban Mê. Để được phong trần lang thang trên những ngả đường, gọi bạn bè tìm về buôn làng gõ nhịp mà hát. Say men rượu cần mà hát. Say tiếng cồng chiêng mà hát. Vui buồn gì cũng hát. Nghệ thuật hay đời sống là vậy thôi. Như gió. Có lẽ, chẳng phải mình tôi mà chắc nhiều người cũng đã phải lòng với những ngọn gió ở Tây Nguyên.
Chợt nhớ câu chuyện kể về dòng họ nhạc sĩ Y Yơn. Cha của Y Yơn là Y Tam, một nghệ sĩ buôn làng, biết chơi tất cả các loại nhạc cụ, thuộc tất cả các làn điệu Tây Nguyên. Mẹ của Y Yơn là bà H’Lum cũng là một nghệ sĩ hát hay, múa giỏi. Mối tình của hai nghệ sĩ này đã đơm hoa, kết trái, hình thành nhân cách của nhạc sĩ Y Yơn. Lại là gió sinh ra từ gió. Tôi đã may mắn gặp nhạc sĩ Y Yơn trong một lần làm phim tài liệu nghệ thuật. Trong ngôi nhà nhỏ ven suối, lưng chừng một ngọn đồi ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Ông đứng dưới bóng cây kơnia đàn hát để chúng tôi ghi hình. Bất giác trong khoảnh khắc nào đó tôi nhận ra hình hài những ngọn gió ở cao nguyên. Chúng chập chờn hư ảnh giữa mơ và thực, giữa có và không, giữa yêu và hiểu…
Cơ duyên cho tôi kịp nắm bắt một điều bất khả. Rằng gió thì thổi mãi, yêu rồi mới hiểu. Và yêu rồi là yêu mãi mãi…
Bút ký của Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc