Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe đá... hát

09:27, 13/02/2024

Từ hàng ngàn năm trước, trên vùng đất Tây Nguyên đã xuất hiện và lưu truyền một loại nhạc cụ vô cùng độc đáo, đó là loại nhạc cụ thuộc hệ gõ thường gọi là đàn đá, người M’nông gọi là Goong lú (có nghĩa là cồng đá).

Năm 2005, đàn đá được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Đến buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) vào một ngày cuối năm se lạnh, chúng tôi bị hấp dẫn với tiếng đàn đá trong trẻo như tiếng suối róc rách vang lên trong ngôi nhà sàn đã cũ của ông Y Per Eung, một nghệ nhân biểu diễn đàn đá. Đây cũng là thanh âm quen thuộc xuất hiện trong các dịp lễ hội truyền thống của người M’nông đang sinh sống trên địa bàn huyện Lắk.

Ông Y Per Eung (giữa) truyền dạy đàn đá cho con cháu.

Ngồi tâm sự với ông Y Per Eung, chúng tôi được nghe về nguồn gốc xa xưa của bộ đàn đá này. Theo lời ông, những già làng đã nhặt những thanh đá ở suối đầu nguồn, mang về rồi buộc lên một sào tre treo ở rẫy. Dưới tác động của gió, các thanh đá chạm vào nhau phát ra âm thanh để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng. Dần dần họ thấy âm thanh của những thanh đá có tiếng kêu rất hay nên đẽo gọt lại cho gọn và đưa vào đánh trong các lễ hội lớn của cộng đồng. Để làm ra được một bộ đàn đá, cần phải ghè đẽo khá tinh xảo và trau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để có được các thang âm trầm bổng hay thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày có âm trầm và trong; còn thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì có tiếng thanh.

Người M’nông xưa quan niệm rằng, thanh âm của đàn đá là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để kết nối giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại và hướng con người đến những điều tốt đẹp trong tương lai. Với ý nghĩa linh thiêng đó, đàn đá thường được trình tấu trong những ngày lễ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ cưới… và nhiều nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.

Ông Y Per Eung (đứng giữa) cùng luyện tập với các thành viên trong CLB Đàn đá buôn Lê.

Đến nay, cộng đồng người M’nông ở buôn Lê vẫn còn lưu giữ được một bộ đàn gồm ba thanh đá, tương ứng với các âm sắc của bộ chiêng M’nông. Các thanh đá được cố định vào thân cây tre dài khoảng 1,5 m bằng dây thừng; thanh dài nhất khoảng 60 cm, thanh ngắn nhất khoảng 40 cm và nặng từ 4 – 8 kg. Khi chơi đàn, người nghệ nhân dùng một hòn đá nhỏ gõ vào những thanh đá để tạo ra âm vực khác nhau; cần có ba người đánh, trong đó hai người vác thanh tre. Đặc biệt, mỗi một người dân M’nông đều có thể sử dụng đàn đá, không phân biệt già trẻ, gái trai.

Năm 2003, ông Y Per Eung cùng hai người bạn thành lập câu lạc bộ (CLB) Đàn đá buôn Lê. Đến nay, CLB đã tham gia biểu diễn tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. “CLB này được thành lập nhằm quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông. Đồng thời, xây dựng một môi trường luyện tập, sinh hoạt cho những người yêu thích đàn đá ở trong buôn”, ông Y Per Eung chia sẻ.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, thanh âm của đàn đá dần mai một theo thời gian. Để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, những nghệ nhân tại buôn Lê đã và đang nỗ lực hết mình trong việc truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông Y Per Eung bày tỏ: “Học cách chơi đàn đá không khó, nhưng phải làm sao để con trẻ có hứng thú với loại nhạc cụ này thì lại không dễ. Chúng tôi luôn cố gắng động viên con cháu trong nhà luyện tập vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đàn đá như là linh hồn của người đồng bào M’nông, vì vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới có thể mở một lớp truyền dạy đàn đá để cùng với những nghệ nhân lớn tuổi khác trong buôn khuyến khích con cháu lưu giữ nét đẹp văn hóa này”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc