Multimedia Đọc Báo in

Lễ mừng lúa mới của dân tộc Giẻ - Triêng

08:19, 19/02/2024

Các dân tộc thiểu số cư trú ở vùng Trường Sơn đều có tập quán canh tác nương rẫy từ rất lâu đời. Mỗi năm bà con chỉ làm một mùa lúa rẫy cùng những loại hoa màu khác như khoai, sắn, bắp... Khi kết thúc mùa rẫy có nghĩa là hết năm.

Hằng năm từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 âm lịch, trời đất báo hiệu chuyển mùa, bắt đầu mưa lất phất, sương phủ trắng các sườn đồi, những cây lau bắt đầu trổ bông, tiết trời se lạnh. Thời điểm những gùi lúa cuối cùng đã về kho thì cũng là lúc bà con dân tộc Giẻ - Triêng chuẩn bị tổ chức lễ ăn mừng lúa mới (Cha Ba Riang).

Theo ngôn ngữ Giẻ - Triêng, Cha có ý nghĩa là ăn, Ba Riang là cơm mới. Theo tập tục từ xưa, nhà nào bội thu tức là phải được trăm gùi lúa. Đạt “tiêu chuẩn” như vậy đồng bào mới tổ chức ăn mừng cơm mới. Trong thời gian từ 7 - 10 ngày trước ngày quyết định lễ mừng mùa, đàn ông lên rừng tìm con chim, con chuột, xuống sông, suối bắt con cá, con ếch... Phụ nữ thì chọn những củ sắn ngon nhất để làm rượu cần, chọn nếp, gạo Bhaton loại ngon nhất để chuẩn bị gói bánh ốc (quách)... Mâm cỗ tiệc ăn mừng lúa mới của người Giẻ - Triêng rất giản đơn gồm: bánh ốc, rượu cần, thịt chuột rừng, thịt sóc, cá chua… Lễ vật được dọn ngay giữa nhà sàn, vừa ấm cúng, vừa dân dã và theo đúng phong tục.

Những hạt gạo mới vừa được hứng mang ý nghĩa cầu may mắn, no ấm.

Khi tất cả đã chuẩn bị xong, già làng đến nhà làng đánh lên những tiếng chiêng, tiếng trống vang xa báo cho thần linh, bạn bè, bà con thân thuộc rằng làng đã bước vào mùa ăn mừng lúa mới.

Sau khi nghe thông báo của già làng, mỗi người mang theo những đồ vật cúng để dâng lên thần linh. Đến nhà làng, mỗi người phải giậm chân lên vạt cỏ một lần rồi mới bước vào nhà làng. Tại đây, bà con sẽ dâng lên thần linh những sản phẩm mình đã làm ra như lúa, sắn, bắp... để cám ơn thần linh đã phù hộ cho bà con có được một mùa tươi tốt, bội thu. Tiếp đó, bà con dâng lên thần Cỏ những lễ vật để cho thần linh chứng giám và thụ hưởng. Những người phụ nữ lấy nước lấy từ khe ở đầu nguồn đổ vào lá dâng cho thần linh những giọt nước tinh khiết. Sau đó bà con tiếp tục dâng cho thần linh lúa, gạo, bắp... Người chủ lễ cúng (thường là phụ nữ lớn tuổi) bốc từng nắm gạo tung lên trên không trung. Trong lúc đó, những người phụ nữ khác vây quanh giơ cái nia nhỏ lên để hứng hạt gạo mới vừa được tung lên. Ai hứng được nhiều nhất thì năm sau người đó sẽ làm ăn phát đạt, ai được ít thì năm sau sẽ nghèo đói!

Sau khi cúng thần linh xong, bà con lấy lúa giã, gói bánh, nấu thịt... phát cho người dân và cùng nhau ăn, uống rượu cần, nhảy múa, chiêng trống. Kết thúc lễ ăn mừng lúa mới tại nhà làng, mỗi gia đình về tại nhà riêng và tự cúng, gói bánh, làm thịt, nấu rượu cần...

Lễ ăn mừng lúa mới của người Giẻ - Triêng thường diễn ra trong 10 ngày, song chỉ trong ngày đầu tiên, ngày thứ tư và ngày thứ chín là bà con gói bánh và chuẩn bị nhiều đồ ăn thức uống hơn những ngày khác. Trong những ngày Tết, bà con trong làng cùng chúc tụng nhau từ nhà này sang nhà khác, cùng ăn tết, cùng uống rượu cần, cùng bàn bạc sôi nổi về một năm lao động đã qua, cùng nhau nhảy múa, hát ca, tấu chiêng... Nhạc cụ không thể thiếu là kèn đing tút. Đây là loại nhạc cụ đơn giản, làm bằng ống nứa, bà con thường sử dụng trong lễ cúng lúa. Âm thanh của nó có thể mời gọi hồn lúa từ nương rẫy về với buôn làng. Chỉ có đàn ông mới được biểu diễn loại nhạc cụ này. Khi thổi đing tút thì những người đàn ông đó, dù già hay trẻ đều phải giả dạng, cải trang thành phụ nữ. Họ không được đóng khố mà phải mặc váy. Cách mặc của họ cũng khác thường, phải che kín từ cổ xuống chân, giấu một tay vào bên trong, chỉ được thò một tay ra cầm ống đing tút để thổi. Theo quan niệm của đồng bào, hồn lúa là một cô gái hồn nhiên, xinh đẹp nhưng rất yếu đuối và nhút nhát. Nếu thấy bóng dáng đàn ông, thần lúa sẽ xấu hổ, bỏ chạy, không về với buôn làng nữa. Nàng tiên lúa sẽ không hiển linh, sang năm sẽ mất mùa, đói kém. Xuất phát từ tập quán từ xa xưa đó nên khi thổi nhạc cụ đing tút, đàn ông dứt khoát phải mặc trang phục của đàn bà! Trong những ngày ăn Tết tuyệt đối không được đánh đập nhau, không được to tiếng, xô xát nhau... vì bà con quan niệm đó là điềm xui rủi cho cả năm tới.

Những người đàn ông mặc váy, cải trang thành phụ nữ khi thổi kèn đing tút.

Lễ ăn mừng lúa mới của người Gié - Triêng có từ rất lâu đời. Đây là dịp để tạ ơn thần linh đã ban tặng cho bà con có đủ lúa, sắn, bắp ăn, đủ sức khỏe để làm, đủ đẹp cho cuộc sống. Đồng thời, đây là dịp để dạy dỗ con cháu về đạo lý sống, về nguồn cội, truyền thống văn hóa, biết yêu thương lẫn nhau, tránh gây mất đoàn kết cộng đồng.  

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.