Sức mạnh “mềm” của bản sắc
Biến các giá trị văn hóa, lịch sử của mỗi cộng đồng, dân tộc thành sức mạnh “mềm” nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay được xem là xu thế được nhiều người quan tâm.
Xu thế ấy được thể hiện rõ nét và sinh động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Đặc biệt là trong hoạt động du lịch - bản sắc văn hóa, lịch sử ngày càng được các doanh nghiệp vận dụng và khai thác như nguồn tài nguyên quý báu để lan tỏa, phát triển.
Tại nhiều diễn đàn bàn về tương lai phát triển cho “ngành công nghiệp không khói” này thì xu thế trên được định danh bằng khái niệm mới mẻ - đó là ngành “công nghiệp văn hóa”, trong đó lấy bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc làm nền tảng và động lực thúc đẩy.
Đến nay bất kỳ tỉnh thành nào cũng tìm tòi, định danh cho được sự độc đáo và khác biệt trong sản phẩm du lịch của mình để hấp dẫn du khách.
Các tỉnh thành miền núi thì lấy âm vang đại ngàn cùng đời sống sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc của các tộc người tại chỗ làm cảm hứng chủ đạo.
Còn vùng đồng bằng duyên hải luôn hướng tới không gian biển, đính kèm với các giá trị di sản (lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật) đã được tuyên bố như logo nhận diện.
Bởi thế mới thấy trên bản đồ du lịch Việt Nam hiện nay đang có sự khu biệt rõ ràng tính chất đặc thù của từng vùng, miền gắn liền với bản sắc văn hóa khác nhau, tạo nên bức tranh đa sắc màu, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm và trải nghiệm cho du khách.
Âm vang đại ngàn. Ảnh: Hoàng Gia |
Ví như ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đến nay đã hình thành các sản phẩm du lịch gắn với một số tour/tuyến đặc sắc và khác biệt như “Âm vang đại ngàn”, “Văn hóa voi”, “Tây Nguyên - Miền mơ tưởng” và gần đây là “Trải nghiệm với cà phê”… đã dần tạo được sự quan tâm, chú ý của du khách.
Hầu hết các khu/điểm du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn đã phát huy bản sắc văn hóa của những tộc người tại chỗ, từ không gian sống, âm nhạc cồng chiêng, múa hát, ẩm thực cho đến nhiều yếu tố khác (như rừng cây, bến nước, khu tượng nhà mồ, nhà dài truyền thống) để thu hút du khách.
Và dĩ nhiên, với ý tưởng đó cùng với chất lượng phục vụ tốt và chuyên nghiệp hơn sẽ góp phần tạo dựng uy tín, đẳng cấp và thương hiệu cho ngành du lịch trên vùng đất giàu bản sắc này.
Thực tế cho thấy trong đời sống kinh tế, xã hội hiện nay, ở đâu và bất kỳ lĩnh vực nào, nếu biết đề cao yếu tố bản sắc và lấy đó làm nền tảng để phát triển thì hiệu quả đem lại bao giờ cũng vượt trội và bền vững hơn”. TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên
|
Mặt khác, sức mạnh “mềm” của bản sắc còn được nhận diện qua sự trở lại của những giá trị truyền thống, cổ điển trên một số lĩnh vực, ý tưởng kinh doanh được các doanh nghiệp, đơn vị hay cá nhân nắm bắt và phát huy.
Không đâu xa, ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột này, nhiều quán cà phê, nhà hàng thuần Việt được đầu tư xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm về với bản sắc văn hóa truyền thống của khách hàng.
Những điểm đến như Không Gian Xưa, Rêu Phong (đường Y Ngông) hay Làng Cà phê Trung Nguyên (đường Lý Thái Tổ)… là điển hình cho sự vận dụng nhuần nhuyễn, đầy hiệu quả từ ý tưởng trên.
Qua tìm hiểu, được biết nhiều người thích đến đây vì có chút hoài cổ - từ sân vườn, ngôi nhà rường thuần Việt cho đến bộ bàn ghế, cách bài trí nội thất bên trong gợi lên nhiều hoài niệm.
Và cũng chính vì sự “gợi” này là một cách quảng bá, thu hút khách hàng; đồng thời mang lại hiệu quả kinh doanh vượt trội nhờ giá trị bản sắc truyền thống được tiếp nối và tái hiện.
Bếp lửa của người Êđê trong nhà dài truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc sắc. Ảnh: Hữu Hùng |
Rõ ràng, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc trong đời sống đương đại là sức mạnh “mềm”, là tài sản vô cùng quan trọng để cho nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khai thác và phát triển.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, cố nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc khai thác và phát huy bản sắc trên các phương diện, không nên áp đặt, tư duy như một sự bảo thủ, cổ hủ và trì níu sự phát triển, mà phải đặt nó trong môi trường vận động không ngừng của thời đại. Bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc cần được nghiên cứu, bồi đắp và hoàn thiện theo tiến trình lịch sử. Nói đúng hơn, bản sắc luôn luôn mới, bởi lẽ nhu cầu khám phá và trải nghiệm những giá trị ấy là vô tận.
Cái mới ở đó sẽ được tìm thấy trong nhiều tầng nấc của phức hệ giá trị tinh thần được mỗi cộng đồng, dân tộc tích lũy, sáng tạo nên và không ngừng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có nhận thức và hành xử như vậy, bản sắc văn hóa mới luôn đóng vai trò là nền tảng, sức mạnh “mềm” giúp các cộng đồng, dân tộc và rộng hơn là quốc gia khai thác, phát triển.
Nguyễn Đình
Ý kiến bạn đọc