Multimedia Đọc Báo in

Vọng nhịp chiêng ngân

08:39, 16/02/2024

Trải qua năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Những âm thanh được diễn tấu lên khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với thiên nhiên, với tiếng lòng, đã sống mãi cùng đất trời và con người nơi đây.

Mỗi một con người là chủ thể của di sản này, từ khi sinh ra đến khi lớn lên, qua từng giai đoạn của cuộc sống đều không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Cũng vì lẽ ấy mà cho đến nay, “mạch nguồn” cồng chiêng vẫn chảy mãi và ngày càng được bồi đắp ở các thế hệ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai song song nhiều đề án, dự án liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng. Các chương trình tập trung vào việc khôi phục các nghi lễ, lễ hội của dân tộc, tổ chức truyền dạy cồng chiêng, thành lập các câu lạc bộ, cấp chiêng, trang phục, cũng như khảo sát, kiểm kê các di sản.

Nghệ nhân buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) diễn tấu ching kram. Ảnh: Hữu Hùng

Đặc biệt, các chương trình đều được chủ thể di sản nhiều thế hệ đón nhận nồng nhiệt, nhất là ở các lớp truyền dạy đánh chiêng, múa xoang… Tham gia Lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng Aráp và dân vũ của dân tộc Giarai tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo do Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch (VHTT&DL) tổ chức mới đây, nghệ nhân Y Nay Ksơr (buôn Tùng Tah, xã Ea Sol) vui mừng bày tỏ: “Lâu nay những người yêu thích và biết đánh chiêng thường phải tự mày mò theo các nghệ nhân để học. Bây giờ được mở lớp, con cháu trong các buôn hào hứng tham gia, quả là cơ hội quý cho tiêng chiêng mãi ngân xa...”.

Nếu như trước đây, trong các ngày lễ, hội, hay các sự kiện văn hoá, những nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng hầu hết là người lớn tuổi, thì nay đã xuất hiện rất nhiều lứa tuổi, có cả thiếu nhi. Dù rằng, kinh nghiệm còn thiếu, có thể cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa của từng nhịp chiêng, song sự xuất hiện của thế hệ trẻ không chỉ mang đến một làn gió mới trong công tác bảo tồn văn hóa, còn cho thấy sự đam mê, sự quyết tâm của các cấp, các ngành và chính những chủ thể của di sản này trong công tác giữ gìn.

Đội chiêng buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) có hai thành viên “nhí” là em Y La Sar Ađrơng và Y Diệp Ênuôl. Chỉ mới 10 tuổi nhưng các em đã có thể chinh phục được các loại nhạc cụ như trống, đàn tơ rưng, chiêng tre và cả chiêng đồng. Y La cho biết, em đã có 4 năm học cồng chiêng, càng học càng say mê, càng được tham gia biểu diễn ở các chương trình thì càng yêu thích. Y Diệp mong mỗi ngày sẽ được học nhiều hơn, biết nhiều hơn về cồng chiêng và những nhạc cụ truyền thống.

Đội chiêng trẻ buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột).

Hình ảnh phái nữ đánh chiêng cũng dần trở nên quen thuộc. Đội chiêng nữ buôn K’bu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) trưởng thành từ các lớp học truyền dạy cồng chiêng, múa xoang do thành phố tổ chức; cùng với sự dìu dắt của nghệ nhân trong buôn và sự say mê, gắn bó của chính các thành viên, đến nay đội chiêng thành thạo rất nhiều kỹ năng, vừa biết đánh chiêng, vừa có thể múa xoang; đã nhiều lần trình diễn giới thiệu nét văn hóa độc đáo này đến du khách gần xa.

Ở đội chiêng trẻ buôn Kmrơng Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), ngoài sự cố gắng, tinh thần luyện tập nghiêm túc của các thành viên, không thể không nhắc đến người dẫn dắt đội chiêng là ông Y Bây Kbuôr, Trưởng buôn, Bí thư chi bộ buôn, đồng thời cũng là một nghệ nhân đầy tâm huyết trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng. Mỗi một học trò của Y Bây không chỉ được truyền dạy đánh cồng chiêng mà còn được truyền dạy về văn hóa truyền thống người Êđê, gửi gắm ước mơ…

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.