Multimedia Đọc Báo in

Xin lửa và giữ lửa trong ngày tết

09:56, 14/02/2024

Ngày xưa chưa xa, người dân quê có mơ ước thật đơn sơ, giản dị: “ngày ăn ba bữa, lửa đỏ ba lần”.

Lửa và bếp được xem như là linh hồn sống của từng gia đình. Ngày đó, bếp lửa chủ yếu đun bằng rơm rạ, lá cây và bằng củi, những thứ đưa vào bếp đun đều là những vật liệu được cho là sạch sẽ mới dùng. Có những ngày mùa đông lạnh, bật lửa hết tim, kẹt đá, hết xăng, thế là phải đi xin lửa. Đi xin lửa và giữ lửa là thói quen rất gần gũi, thân thuộc trong đời sống của mọi nhà.

Tôi còn nhớ, khi được khoảng 5 - 6 tuổi là mẹ hoặc chị đã giao nhiệm vụ đi xin lửa. Mẹ bày cho dùng mo cau hoặc bẹ măng khô bỏ vào chút rác hay rơm vụn. Khi không có bẹ măng, mo cau thì cuộn rơm hay bã mía lại thành cái tổ như tổ chim dòng dọc rồi sang nhà hàng xóm xin một cục than đang đỏ bỏ vào mang về. Có hôm gặp gió luồn thổi vào làm nùi lửa cháy bùng lên phải vội vàng ném xuống giữa đường. Cũng có lần xin lửa về bị tắt phải đi xin lại, bị mẹ mắng: “Sao mà hậu đậu thế hở con trai?”. Nói rồi mẹ cười, nụ cười tràn ngập yêu thương.

Ngày đó chưa có ti vi, cả xóm có một, hai cái đài bán dẫn. Tối đến nhà nào có đài thì nấu một nồi nước to, ủ lại cho nóng để hàng xóm tụ tập đến nghe đài và nói chuyện. Khi đi phải mang một bó cây làm đuốc, đến nhà hàng xóm lại dụi tắt, khi về lại xin chủ nhà chút lửa thắp lên để soi lối về. Những chuyến đi về, những câu chuyện hàn huyên, tâm sự như chưa bao giờ hết tạo nên sự gắn bó tình cảm bền chặt thân thương. Mùa đông đến, cái lạnh tê buốt kéo về mang theo mưa phùn gió bấc thì sự giao lưu hàng xóm bớt đi; những bếp lửa bằng củi quanh vườn của mỗi nhà được đốt lên để sưởi ấm, trước lúc đi ngủ thì bếp lửa được vùi lại cẩn thận để giữ lửa cho sáng sớm mai. Cũng có lúc sáng mai lửa không còn, lại sang nhà hàng xóm xin, rất tự nhiên chẳng ngại phiền hà vì nhà ai cũng vậy.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tục xin lửa không đơn thuần chỉ là sự giúp nhau để nhóm lên ngọn lửa mà nó còn có ý nghĩa rộng lớn hơn là đã gắn kết tình làng, nghĩa xóm ở quê, với tâm niệm “tối lửa, tắt đèn có nhau”.

Đó là những ngày thường, còn vào ngày Tết thì giữ lửa là một công việc hết sức quan trọng. Như một nguyên tắc: làm gì thì làm phải giữ được lửa cho đủ ba ngày Tết. Với quan niệm lửa là cầu nối âm - dương, cũ - mới, là thứ quý giá để đón định tương lai, giữ lửa trong ba ngày Tết là để cho năm mới làm ăn phát tài, phát lộc, mạnh khỏe, may mắn. Để không tắt bếp trong ba ngày Tết, mỗi nhà chuẩn bị một đoạn cây to, chắc và đượm than để làm củi. Khi nồi bánh chưng sắp chín thì đoạn củi to cũng được đưa vào làm nguồn giữ lửa. Khi mọi thứ được nấu chín, cất đặt xong thì việc chăm sóc, om cây củi lớn giữ lửa được tiến hành cẩn trọng. Cứ như thế, sáng mùng Một, mùng Hai, mùng Ba (có nhà còn đến tận mùng Năm) đều cời than lên lấy lửa nhóm bếp. Mọi sinh hoạt của gia đình đều lấy lửa từ nguồn lửa này, tuyệt nhiên không dùng nguồn lửa khác. Gia đình nào giữ được lửa trong ba ngày Tết báo hiệu năm đó sẽ thuận buồm xuôi gió, ấm no hạnh phúc.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, những tập quán cũ dần cũng thay đổi. Bếp ga, bếp điện thuận tiện nên việc “xin lửa” thì hầu như không còn, “giữ lửa” trong ba ngày Tết vẫn còn ở nhiều vùng quê, nhưng quan niệm và cách thức cũng đã khác đi nhiều.

Những ai trải qua cái thời “xin lửa, giữ lửa ngày Tết” chắc mỗi khi Xuân về, Tết đến vẫn còn tâm trạng bâng khuâng, hoài niệm về một thời nghèo khó, thanh bình ấy đã nuôi nấng những tình cảm trong sáng, góp phần gắn kết bền chặt xóm làng, đùm bọc che chở nhau vượt qua mọi bão giông để vươn lên trong cuộc sống…

Nguyễn Bá Thuyết

 


Ý kiến bạn đọc