Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội - “cuốn lịch sử, văn hóa” được mở ra đầu năm

14:28, 28/03/2024

Lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc được xem là tập hợp văn hóa vô cùng sống động và đặc sắc. Trong đó bao gồm các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, nghi lễ và cả nghệ thuật, trang phục, ẩm thực phong phú và tiêu biểu nhất.

Tất cả diễn ra trong “thời điểm mạnh” được cộng đồng lựa chọn nhằm cố kết sức mạnh nội tại và hơn thế là để thể hiện quyền biểu đạt văn hóa của dân tộc mình trong đời sống đương đại.

Với ý nghĩa ấy, hầu hết các dân tộc sinh sống ở khắp ba miền trên cả nước đều có lễ hội truyền thống và thường tổ chức sự kiện này vào những lúc thuận lợi nhất, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ Tết Nguyên đán cổ truyền cho đến hết tháng Giêng, hai. Có lễ hội chỉ diễn ra trong một buổi, một ngày, nhưng cũng có lễ hội diễn ra nhiều ngày. Quy mô lễ hội cũng khác nhau: Hội làng, hội vùng và hội được tổ chức trên khắp cả nước (như Lễ hội Đền Hùng).

Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49 dân tộc anh em nên lễ hội truyền thống ở đây hết sức phong phú và đa dạng: lễ hội nghề nghiệp, mùa vụ nông nghiệp, nghi lễ vòng đời, lễ hội tưởng niệm (giỗ trận, tưởng nhớ tướng lĩnh, công đức, võ công) và lễ hội tôn giáo… Tất nhiên, lễ hội nào cũng giàu bản sắc, cũng biểu đạt vốn văn hóa, nhân văn đẹp đẽ của mỗi cộng đồng dân tộc. Có điều, vấn đề đáng quan tâm ở đây là sự chân thực, tính toàn vẹn trong việc thực hành lễ hội của mỗi một cộng đồng. Bởi trên thực tế, có không ít lễ hội đã biến tướng theo chiều hướng tiêu cực; hoặc bị biến dạng vì động cơ và mục đích nào đó khiến chủ thể cũng như khách thể khi tham gia lễ hội đã không đáp ứng những yêu cầu trên.

Lễ hội chọi trâu (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) thu hút đông đảo người đến xem. Ảnh: Nguyễn Gia

Vấn đề đáng quan tâm này, đối với Đắk Lắk - theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã không xảy ra, nếu có thì cũng được khắc phục trong thời gian qua. Nhìn những lễ hội tiêu biểu diễn ra từ dịp Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 đến nay như: Lễ hội Đua thuyền (huyện Krông Ana); Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Lễ hội chọi trâu (xã Cư Pui, huyện Krông Bông); Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng); Giải vật truyền thống (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk); Lễ hội Hảng Pồ của người Tày, Nùng (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ); Lễ hội Lồng tồng của người Thái, Tày (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) và Lễ khai hạ của người Mường (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông)… đã cho thấy sự chân thực và toàn vẹn của nó khi toàn thể cộng đồng tham gia thực hành lễ hội của dân tộc mình. Có thể nói sức mạnh cố kết cộng đồng và quyền được biểu đạt văn hóa từ những lễ hội trên đã có sức lan tỏa, thu hút mọi người (chủ thể cũng như khách thể). Từ đó nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.

Điều đáng nói hơn là tính tự chủ của các cộng đồng dân tộc trong việc thực hành/tổ chức lễ hội ở đây đã được thể hiện rõ nét; mọi sự can thiệp từ bên ngoài vào đã được hạn chế. Vì thế khi lễ hội diễn ra thật sự là ngày hội của mọi người vì đó là “cuốn lịch sử, văn hóa” chân thật và toàn vẹn của cộng đồng dân tộc được mở ra hằng năm - và chính họ mới là người trong cuộc biết cách gìn giữ, bảo tồn cái gì và xóa bỏ cái gì không còn phù hợp với đời sống đương đại để đưa lễ hội truyền thống của dân tộc mình trở thành “sức mạnh mềm” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.