Multimedia Đọc Báo in

Thư pháp mùa Xuân

06:30, 03/03/2024

Viết chữ, tặng chữ, xin chữ thư pháp nhân dịp đầu năm mới không chỉ chúc cho mỗi gia đình, người thân, bạn bè… có được hạnh phúc và bình an trong cuộc sống, mà còn có ý nghĩa giữ gìn văn hóa truyền thống.

Thư pháp là nghệ thuật tạo hình chữ viết, thông qua đó thể hiện những suy nghĩ nội tâm của người viết và giúp người viết rèn luyện sự kiên trì, cẩn trọng, tỉ mỉ, chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống. Theo thời gian, thư pháp đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và có những ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Nội dung trong thư pháp Việt thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân, những bài thơ giàu chất trữ tình; được thể hiện trên nhiều chất liệu như: giấy, vải, gỗ, đá, trái cây, tranh tre, khảm trai và cả trên gốm sứ. Tùy vào cảm xúc, suy nghĩ nội tâm của người viết mà tạo nên một bức thư pháp có sự hấp dẫn riêng.

Gian hàng thư pháp thu hút nhiều bạn trẻ, học sinh đến xin chữ.

Chị Nguyễn Thị Huệ (huyện Krông Búk) dù mới theo đuổi việc học, viết chữ thư pháp chưa được bao lâu nhưng đã rất đam mê. Theo chị Huệ, mỗi một chữ viết ra, hay gửi đến khách đều mang đến những ý nghĩa về mặt tinh thần to lớn, như chữ “Phúc” có thêm màu xanh để biểu hiện sự sống lâu, thanh khiết; chữ “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường” nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu… Qua đó, chị cũng muốn lan tỏa tinh thần yêu chữ đến tất cả mọi người.

Ngày nay, hình ảnh những “ông đồ”, “bà đồ” khăn đóng, áo dài trổ tài bằng nét bút bay bổng trên nền giấy điều đã trở nên quen thuộc trong các sự kiện như Ngày thơ Việt Nam, hội sách, hội báo Xuân, các ngày Xuân, ngày Tết..., để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng yêu chữ nghĩa.

Trước, trong và sau những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, nhiều địa điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh, hay tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, các ngôi chùa…, nhiều khách du xuân thường nán lại bên gian hàng của những “ông đồ”, “bà đồ” để xin cho mình hoặc xin để tặng người thân, bạn bè những câu chữ hết sức ý nghĩa trong ngày đầu xuân mới.

"Ông đồ" trẻ Minh Phương cho biết, đây là năm thứ ba anh theo đuổi môn thư pháp và viết chữ phục vụ du khách. Từ yêu thích, anh Phương đã tìm hiểu, học viết thư pháp, tìm hiểu ý nghĩa câu chữ, thơ văn để làm phong phú vốn câu chữ của mình nhằm phục vụ nhu cầu của nhiều người hơn. Không chỉ phục vụ khách những ngày xuân, anh cùng đồng nghiệp tham gia cho chữ ở rất nhiều chương trình, các doanh nghiệp cũng thường xuyên mời đến để viết chữ tặng cho nhân viên.

Anh Phương thông tin thêm, càng ngày càng có nhiều người muốn xin chữ, nhất là vào dịp đầu năm mới. Để xin được con chữ theo đúng như ý nguyện của mình, có người phải ngồi chờ rất lâu mới đến lượt, nhưng ai nấy đều vui mừng, hân hoan, bởi đó là những điều may mắn, tốt đẹp.

Anh Vũ Việt Trí (TP. Buôn Ma Thuột) xin chữ “bình an” trong năm mới.

Nhân dịp đầu năm mới, anh Vũ Việt Trí (TP. Buôn Ma Thuột) đã xin chữ “bình an” nhằm gửi gắm đến người thân, bạn bè niềm vui, niềm hạnh phúc. Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn đi xin chữ để tặng cho người khác mà mình yêu quý, trân trọng.

Như cô Nguyễn Thị Hồng Hoan (huyện Krông Pắc) thì mỗi dịp đầu năm đều xin chữ treo trong nhà để mọi thành viên trong gia đình đều nhìn thấy. Đối với cô Hoan và gia đình, đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà nhìn chữ để rèn luyện, nhắc nhở bản thân phải luôn cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa…

Ngày Xuân, hòa vào dòng người xuôi ngược du xuân, hành hương, hình ảnh thân quen của những “ông đồ”, “bà đồ” trẻ với áo dài, khăn đóng và vây quanh là những người yêu chữ đủ các lứa tuổi, luôn để lại ấn tượng trong mỗi người. Dưới nét bút tài hoa, phóng khoáng của người viết, những con chữ vốn dĩ rất mộc mạc lại trở nên có hồn hơn, đẹp tựa “rồng bay, phượng múa”; gửi gắm trong đó là những ước vọng càng tạo nên tâm thế an vui đón chào năm mới. Một món quà tinh thần ý nghĩa cho dịp đầu xuân và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.