Khai thác nguồn tài nguyên từ giá trị các di tích lịch sử
Đắk Lắk là địa phương gắn liền với nhiều di tích lịch sử. Việc phát huy tối đa giá trị vốn tài nguyên quý giá này là điều mà tỉnh đặc biệt quan tâm.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LẠI ĐỨC ĐẠI, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lại Đức Đại. |
* Di tích lịch sử là tài sản vô cùng quý giá. Công tác đầu tư, tôn tạo, bảo tồn tài sản quý giá này trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Trên địa bàn tỉnh hiện có 43 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên to lớn, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương.
Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án), Sở VHTT&DL đã và đang phối hợp cùng các sở, ban, ngành, địa phương các cấp lập hồ sơ khoa học để đầu tư, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sở VHTT&DL đã tham mưu Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đề nghị các địa phương phối hợp xây dựng và lắp đặt biển chỉ dẫn, nội quy, quy định tại di tích phục vụ nhân dân địa phương, khách tham quan, du lịch; tổ chức quảng bá, giới thiệu về di tích, phòng ngừa các hành vi vi phạm đến di tích.
Căn cứ theo phân cấp quản lý di tích, Sở VHTT&DL đang được giao thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, đơn cử như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk, Di tích quốc gia Biệt điện Bảo Đại, Di tích lịch sử quốc gia Đình Lạc Giao, Di tích lịch sử Sở Chỉ huy - nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3, Di tích lịch sử quốc gia Đồn điền CADA…
* Ông đánh giá thế nào về việc phát huy những giá trị tinh thần, giá trị giáo dục của các di tích lịch sử trong thực tế hiện nay?
Việc bảo tồn dưới góc độ phát huy những giá trị tinh thần, giá trị giáo dục của các di tích luôn được Sở VHTT&DL quan tâm, từng bước đưa các di tích lịch sử thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc của các tầng lớp nhân dân. Sở đã thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động về nguồn, dâng hương, trải nghiệm, báo công tại các di tích lịch sử, tạo thành những phong trào sâu rộng, thường xuyên.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tham quan, tìm hiểu Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Hướng đến thế hệ trẻ, nhiều năm qua, Sở VHTT&DL phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị di tích lịch sử cho học sinh các cấp, qua đó đã thu hút hàng nghìn lượt bạn trẻ tham quan, tìm hiểu.
* Trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, nguồn tài nguyên, tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử được định hướng khai thác như thế nào, thưa ông?
Để di tích lịch sử trở thành những tài sản quý, góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử là điều hết sức cần thiết. Đây cũng là định hướng có tính quyết định trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Nhằm phát huy một cách có hiệu quả việc khai thác những giá trị của di tích, trước hết phải chú trọng và thật sự quyết tâm thay đổi về nhận thức, xem việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích như mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Bảo tồn để phát huy và ngược lại phát huy để bảo tồn. Bảo tồn, tôn tạo các di tích để nó trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời nguồn thu từ du khách sẽ là nguồn lực để thực hiện công tác bảo tồn một cách chủ động và bài bản hơn.
Địa phương đã và đang quan tâm nhiều hơn, cũng như có hình thức đổi mới, sáng tạo trong việc quảng bá, giới thiệu và mời gọi, xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư đến để khảo sát, đầu tư mở các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di tích; xây dựng hình ảnh du lịch tham quan, trải nghiệm di tích ở Đắk Lắk trở thành một thương hiệu mạnh, từ điểm "cần đến", từng bước trở thành điểm "phải đến" đối với du khách.
Tỉnh cũng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử từ các di tích lịch sử. Ngoài ra, việc quan tâm, kêu gọi, vận động mọi nguồn lực để đầu tư, trùng tu, tôn tạo có trọng điểm các điểm di tích có lợi thế nổi bật, đặc sắc về tiềm năng nhằm phát triển du lịch cũng là điều tỉnh thường xuyên chú trọng.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc