Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ lưu bút ngày xưa

10:43, 28/04/2024

Khi vòm phượng bắt đầu phập phồng một màu đỏ chót là mùa hè cũng ngập ngừng ghé sang. Mùa hè bạn nhớ nhất điều gì? 

Còn tôi cứ mỗi lần hè đến thì lòng rưng rức nhớ về tuổi học trò. Những năm học cuối cấp luôn mang đến cho tôi cảm xúc đặc biệt với những cuốn sổ lưu bút thân thương.

Tôi cũng không biết lứa tuổi học trò cuối cấp của thời đại 4.0 bây giờ có làm lưu bút như thời chúng tôi ngày xưa hay không?

Chứ thời chúng tôi, những lứa học trò 8X và 9X thì cuối cấp không thể thiếu cuốn lưu bút thân thương.

Tôi không biết trào lưu viết lưu bút bắt đầu từ ai và từ khi nào, chỉ biết rằng vào một ngày đầu hè nắng vàng rực rỡ, khi trống điểm giờ ra chơi thì bất ngờ nhận được một lời đề nghị dễ mến kèm theo một cuốn sổ nhỏ nhắn xinh yêu: “Viết giùm tớ ít dòng, tớ lưu lại sau này còn đọc”. Và sau đó phong trào làm lưu bút lan rộng khắp cả lớp. Mọi người chuyền tay và viết lưu bút cho nhau.

Sổ dùng để làm lưu bút muôn hình vạn trạng, tùy theo sở thích, điều kiện kinh tế của mỗi chủ nhân.

Thông thường con trai hay những người nào đơn giản thì cuốn sổ lưu bút cũng đơn giản theo. Con gái lại thường hay mộng mơ, nhìn cái bìa đã biết ngay là chủ nhân của một cô gái nào đó.

Có người dùng quyển sổ to như quyển tập viết học trò, có người lại dùng quyển sổ bé xíu nhỏ như lòng bàn tay. Nhà bạn nào có kinh tế thì mua sổ cứng, bìa đẹp, còn bạn nào điều kiện kinh tế ít hơn thì dùng sổ bình thường. Quyển sổ lưu bút ai nấy đều nâng niu, trình bày sao cho đúng phong cách của mình.

Người có “máu nghệ sĩ” hay nói theo ngôn ngữ học trò là “có hoa tay” thì rất được nhiều người trong lớp nhờ vả “thiết kế” hộ sổ lưu bút. Thiết kế ở đây là những hình ảnh “rồng bay phượng múa” ở đầu trang hoặc trang bìa.

Minh họa: Trà My

Làm lưu bút dường như ai cũng thích trước mỗi cuốn sổ, trang đầu tiên để “Đôi dòng tự bạch”.

Những dòng tự bạch gồm tất tần tật về ngày sinh, biệt danh, sở thích và cả những… sở đoản nữa. Cầm đọc cuốn lưu bút mà không thể nào nhịn cười được. Hễ chủ nhân nào có dòng tự bạch “hay ho” là mọi người lại ới nhau xúm lại đọc rồi bật cười rinh rích.

Lớp có bao nhiêu thành viên là bấy nhiêu nét chữ. Bình thường chỉ thấy những nét chữ quen của nhóm bạn chơi thân nhưng cầm cuốn lưu bút thấy được tất thảy các nét chữ. Thú vị làm sao khi thấy người bạn của mình khô khan, cứng nhắc mà nét chữ lại mềm mại, uốn lượn. Người ta nói nét chữ nết người nhưng xem ra cũng không hẳn đúng.

Viết lưu bút cũng cần chạy “deadline” như làm bài tập. Vì viết xong còn chuyền cho người khác viết nữa. Tôi hay tranh thủ những giờ ra chơi ngồi viết lưu bút cho các bạn, vì tối về nhà phải học bài. Cũng có lúc tôi cầm một lúc mấy cuốn lưu bút, về nhà lấm lét giấu dưới hộc bàn vì sợ bố mẹ rầy la.

Tôi cứ tưởng mình hiểu hết bạn bè nhưng khi đọc lưu bút mới hay là còn nhiều điều thầm kín mà sau bao nhiêu năm làm bạn, các bạn chia sẻ trong lưu bút mình mới biết. Và cả những trò nghịch ngợm, chơi khăm như giấu giầy thể dục, giấu bút thước mãi khi đọc lưu bút tôi mới biết “thủ phạm” năm xưa là ai.

Và còn những lời tỏ tình mà mãi mãi về sau tôi vẫn nghĩ đó là những rung động trong sáng đẹp nhất của tuổi trẻ. Thi thoảng bạn bè gặp lại nhau chúng tôi vẫn ôn chuyện cũ, ngày xưa đứa này thích đứa kia, nhớ nhung ngây thơ ngờ nghệch.

Cuốn lưu bút đã lưu giữ những kỷ niệm của tuổi học trò mến yêu. Những kỷ niệm, dẫu buồn vui chúng tôi đều giữ lại ở một góc trong trái tim bé bỏng.

Bất chợt trong phút giây mùa hạ gõ cửa, giai điệu bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa” của nhạc sĩ Xuân Phương: “Thời gian trôi qua mau, chỉ còn lại những kỷ niệm. Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô. Bạn bè mến thương ơi, sẽ còn nhớ những lúc giận hờn. Để rồi mai chia xa, lòng chợt dâng niềm thiết tha. Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa…” vang lên, lại gợi lên trong tôi ký ức ngọt ngào về một thời đã xa, trong trang lưu bút lấp lánh màu áo trắng tinh khôi.

                                                                         Ngọc Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.