Multimedia Đọc Báo in

Đèo Đá Đẽo trên đỉnh Trường Sơn

08:25, 30/06/2024

Đèo Đá Đẽo dài 17 km nằm trên đường Hồ Chí Minh, giáp ranh giới ba xã của tỉnh Quảng Bình gồm: Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), Xuân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). 

Đèo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 2010, là một trong 37 di tích của nhóm di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đèo Đá Đẽo là một trọng điểm bắn phá của quân đội Mỹ bằng máy bay và pháo từ tàu biển. Trên đỉnh đèo có tấm bia di tích đèo Đá Đẽo với dòng chữ "Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ năm 1965 - 1972" ghi nhớ lại thời kỳ chiến tranh ác liệt.       

Sở dĩ có tên gọi đèo Đá Đẽo là do trong kháng chiến chống Mỹ, đường được mở bởi lực lượng thanh niên xung phong, nằm vắt ngang qua đỉnh một ngọn núi đá vôi dài hơn 10 km. Đây là tuyến vận tải huyết mạch của ta nhằm vận chuyển quân, lương, vũ khí… chi viện cho chiến trường miền Nam. Người đi trước đẽo đá mở đường để quân ta tiếp bước đi sau dưới bom đạn kẻ thù, vô cùng gian khổ nhưng cũng đầy vẻ vang, hào hùng.

Bia di tích trên đèo Đá Đẽo.

Đèo Đá Đẽo nằm trong khu vực địa chất đa dạng với đồi núi, thung lũng xen kẽ, một bên là dãy núi cao, một bên là vực sâu thẳm. Đèo có các đường vòng cua tay áo, độ dốc khá lớn, thường bị xói, sạt lở vào mùa mưa bão. Những năm kháng chiến chống Mỹ, đèo Đá Đẽo là một trong những mục tiêu bắn phá ác liệt của địch. Hàng loạt máy bay tiêm kích F4, F5, pháo đài bay B52 ném bom rải thảm liên tục. Ngoài biển Đông, pháo từ Hạm đội 7 bắn phá suốt ngày đêm. Không ngại hy sinh, gian khổ, bộ đội, thanh niên xung phong ta với tinh thần “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, cứ sau mỗi trận dội bom của giặc vừa dứt, lại ào ra mặt đường san lấp hố bom, dọn đường cho xe thông, khắc phục thiệt hại. Rất nhiều thanh niên xung phong ngã xuống để cho tuyến đường luôn được thông suốt đưa quân, hàng hóa ra mặt trận. Dù trong mưa bom, bão đạn nhưng đèo Đá Đẽo vẫn sừng sững hiên ngang, vững vàng trên đỉnh Trường Sơn!                       

Khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, lúc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh hiện đại, đèo Đá Đẽo đã được cải tạo nâng cấp và nay trở thành tuyến đường du lịch về nguồn có ý nghĩa. Du khách muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đèo Đá Đẽo có thể đi từ TP. Đồng Hới (Quảng Bình) theo đường mòn Hồ Chí Minh đến Phong Nha - Kẻ Bàng, rồi từ đó sẽ có đường lên đèo Đá Đẽo.                                     

Sân bay dã chiến Khe Gát.

Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua địa phận xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) để lên đèo Đá Đẽo về huyện Minh Hóa, có một quãng đường dài gần 2 km, khá rộng, bằng phẳng, khác với các đoạn đường trước và sau nó. Nhưng không phải ai cũng biết được rằng, con đường ấy chính là một “sân bay dã chiến” được bí mật xây dựng thời chiến tranh. Ngày 19/4/1972, hai chiếc Mig-17 của Không quân nhân dân Việt Nam đã xuất kích tại đây để tấn công và gây thiệt hại nặng nề cho tàu chiến Mỹ xâm nhập gần bờ biển tỉnh Quảng Bình trong một trận đánh chớp nhoáng chỉ trong vòng 17 phút. Sân bay bí mật ấy nằm ở thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) nên được biết đến với tên gọi: Sân bay Khe Gát.                                                        

Ngày nay, sân bay dã chiến Khe Gát cũng như đèo Đá Đẽo đã trở thành những di tích đặc biệt trong cụm 37 di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Hải Hồ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.