Multimedia Đọc Báo in

Giữ “hồn cốt” cho lễ cúng bến nước ở huyện Lắk

09:59, 14/07/2024

Những năm gần đây, huyện Lắk có nhiều nỗ lực phục dựng lại các nghi lễ cúng bến nước của các dân tộc để bảo tồn, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống này. Tuy nhiên, các nghi lễ phục dựng không còn giữ được vẹn nguyên “hồn cốt” như truyền thống…

Nét đẹp văn hóa đặc trưng

Với lịch sử hình thành gần 100 năm, huyện Lắk được biết đến là địa phương có người M’nông và Êđê sinh sống quần cư lâu đời. Với những đặc trưng riêng, các nghi lễ cúng bến nước của mỗi dân tộc sinh sống tại địa phương là những nét đẹp văn hóa độc đáo cần được lưu giữ, bảo tồn.

Ví như người Êđê ở buôn Dhăm I (xã Đắk Nuê) thường tổ chức lễ cúng bến nước (cúng hồ) vào dịp đầu năm mới để cảm tạ thần linh sau một năm đã phù hộ cho buôn làng có nguồn thức ăn tự nhiên, nước sạch, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đồng thời, cầu xin thần linh ban cho dân làng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sức khỏe, làm ăn khá giả và cuộc sống vui tươi vào năm mới. Đây cũng là dịp để người dân cùng nhau chăm lo, làm vệ sinh bến nước và giữ nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng.

Phục dựng lễ cúng bến nước của người M’nông R'lâm tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn).

Còn người M’nông R'lâm tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn) ven hồ Lắk thường dùng thuyền độc mộc làm phương tiện đi lại để làm nương rẫy, đánh bắt cá hay đi sang các buôn làng khác nên họ quan niệm các bến hồ - nơi có thuyền độc mộc đậu là nơi linh thiêng, có Thần nước, Thần núi. Lễ cúng bến nước (bến hồ) được bà con nơi đây tổ chức 2 - 3 năm một lần để tỏ lòng biết ơn các vị thần cai quản phương tiện đi lại, sinh hoạt và sản xuất trên hồ.

Người M’nông Gar (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi) thì tổ chức lễ cúng bến nước Đắk Hoa, bởi trước kia khi tổ tiên người M'nông Gar đi khắp nơi tìm đất an cư đã tìm được một nguồn nước tại bến Đắk Hoa trong lành và hết lòng gìn giữ.

Ngày nay, người M'nông Gar vẫn lấy nước từ bến nước này để chế rượu cần và thờ cúng Yàng. Nghi lễ của họ sẽ do chủ bến nước thực hiện để tạ ơn Thần nước đã ban tặng nguồn nước sạch phục vụ đời sống và người dân có sức khỏe, không bị đau ốm. Đồng thời, mời gọi thần linh xuống cùng chung vui, ăn mừng, phù hộ cho chủ bến nước và buôn làng.

Làm sao để “nối mạch” văn hóa?

Huyện Lắk hiện đã phục dựng các lễ cúng bến nước của người M’nông Gar tại bến nước Đắk Hoa (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi); của người M’nông Rlâm, tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn) và lễ cúng bến nước của người Êđê tại buôn Dhăm II (xã Đắk Nuê) và buôn Phôk (xã Nam Ka). Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận của địa phương để bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc; song các nghi lễ được phục dựng không còn nguyên vẹn “hồn cốt” vốn có.

Người dân và du khách cùng múa theo tiếng chiêng trống tại Lễ cúng bến nước Đắk Hoa (buôn Pai Ar, xã Đắk Phơi, huyện Lắk).

Theo ông Y Luyết Ênuôl, Trưởng buôn Jun (thị trấn Liên Sơn), do chuyển đổi phương thức sản xuất, sinh hoạt đời sống nên một số nghi thức cúng bị lược bỏ. Cụ thể, phần lớn bà con đã bán đi những bộ chiêng quý, ché quý, kpan… để mua công cụ sản xuất, sinh hoạt nên các đồ cúng dùng trong nghi lễ không còn đầy đủ, phải thay thế bằng chén, đĩa hiện đại. Thế hệ trẻ không mặn mà, không còn am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc; trong khi đó, phần lớn nghệ nhân giỏi đã tuổi cao sức yếu hoặc qua đời… khiến lễ cúng không được tổ chức bài bản, thường xuyên.

Ông Y Luyết chia sẻ, cần có chế độ hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên các nghệ nhân truyền lại những bước thực hành nghi lễ đúng cho thế hệ sau. Đồng thời, cần đưa các nghi lễ này vào trong các hoạt động du lịch, qua đó vừa tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, lan tỏa nét đẹp văn hóa của các dân tộc đến du khách,  vừa tạo nên giá trị kinh tế, qua đó thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ.

Anh Y Sôl Sruk, một người trẻ làm du lịch cộng đồng tại xã Yang Tao cho hay, khi gắn lễ cúng bến nước với du lịch cộng đồng, các chủ thể văn hóa này khi tham gia biểu diễn sẽ có nguồn thu nhập nên sẽ có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa để quảng bá đến du khách tốt hơn. Từ đó, khi địa phương tổ chức các lớp học, tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị trong tín ngưỡng của dân tộc, bài cúng lễ... sẽ thu hút được nhiều người trẻ tham gia hơn.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.