Multimedia Đọc Báo in

Phát huy “vốn quý” của buôn làng

07:32, 13/07/2024

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là “vốn quý” của buôn làng, được nuôi dưỡng, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Và ngày nay, đó chính là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch.

Các nghi lễ truyền thống tốt đẹp

Một trong những “vốn quý” của các dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk chính là Không gian Văn hóa cồng chiêng, trong đó có các nghi lễ trong hệ thống nghi lễ vòng đời người, nghi lễ về mùa màng… vẫn được lưu giữ và phát huy.

Như Lễ cúng cầu mưa – cầu mùa của người M’nông tại buôn Đắk Tuôr, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Người dân ở đây thực hiện khoảng 2 - 3 năm một lần hoặc lâu hơn tùy theo điều kiện thực tế. Vào tháng cao điểm của mùa khô, khi đang đón chờ một mùa gieo trồng mới, nghi lễ sẽ được thực hiện với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, nương rẫy tươi tốt, thóc lúa đầy kho, người dân trong buôn sống mạnh khỏe, đoàn kết, không đau yếu, bệnh tật. Lễ cúng cầu mưa – cầu mùa được người M’nông tổ chức thể hiện khát vọng sống giao hòa, trân trọng thiên nhiên và mong cầu những điều tốt đẹp nhất.

Với những ai yêu văn hóa Tây Nguyên, khi được chứng kiến đều có thể cảm nhận ý nghĩa của nghi lễ này. Anh R’Cơm Bus, một du khách đến từ tỉnh Gia Lai cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ này, rất ý nghĩa và độc đáo. Bản thân tôi là một người sinh ra ở buôn làng, vì vậy tôi rất thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc, muốn đi nhiều nơi để trau dồi kiến thức, khám phá nhiều hơn và quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc đến nhiều nơi”.

Ông Y Hai Kbuôr (buôn M’Lăng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) được người thân trao vòng trong Lễ cúng sức khỏe.

Các nghi lễ liên quan đến đời người luôn mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Một nghi lễ phổ biến và được người dân Êđê coi trọng và vẫn được bảo tồn, đó là lễ cúng sức khỏe. Vào dịp này, con cháu, người thân và bạn bè thân hữu sẽ trao vòng đồng và tặng những phần quà ý nghĩa như mền, khăn từ thổ cẩm... để chúc mừng sức khỏe cho chủ lễ, rồi cùng nhau thưởng thức rượu cần, hòa quyện bên tiếng cồng tiếng chiêng.

Lễ cúng sức khỏe mang ý nghĩa nhân văn khi thể hiện lòng hiếu thảo, sự quan tâm của con cháu, người thân trong gia đình với bậc sinh thành; cũng là nét đẹp của tình giao hữu cộng đồng rất gắn bó, đoàn kết của người Êđê. Mới đây nhất, Lễ cúng sức khỏe của người Êđê theo nghi thức truyền thống được thực hiện tại buôn M’Lăng, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar). Người được chúc sức khỏe là ông Y Hai Kbuôr, năm nay đã 82 tuổi.

Trong niềm vui hân hoan, ông Y Hai nói: “Được con cháu tổ chức chúc sức khỏe theo phong tục của đồng bào mình, tôi rất vui. Bây giờ chân tay già yếu không làm nương rẫy được nữa, tôi chỉ cầu được sống lâu, sống khỏe, sống vui cùng con cháu là rất hạnh phúc rồi”.

Ông Y Wem H’Wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho hay: “Lễ cúng sức khỏe này vừa khôi phục văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Êđê, lại có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa của nghi lễ. Qua đây góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp của người Êđê nói riêng và cộng đồng các dân tộc ở huyện Cư M’gar nói chung”.

Thiếu nữ Êđê diễn tấu chiêng tre tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột).

Để "vốn quý" còn mãi...

Để phát huy những truyền thống tốt đẹp trên thì con người, những chủ thể văn hóa đóng vai trò rất quan trọng. Bằng tình yêu, sự đam mê và trách nhiệm với cộng đồng, những người con của mảnh đất Đắk Lắk, Tây Nguyên đã góp công, góp sức, lan tỏa tình yêu, nối dài những “vốn quý” này đến mai sau.

Thời gian gần đây, TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng được nhiều đội chiêng nữ ở các buôn làng như: đội chiêng nữ buôn K’bu (xã Hòa Khánh), đội chiêng nữ buôn Ko Tam (xã Ea Tu), đội chiêng nữ buôn Tuôr (xã Hòa Phú)…

Vượt qua định kiến chỉ nam giới Êđê mới đánh chiêng, các bạn nữ đã học, rèn luyện, mang lại kết quả tốt. Đơn cử như Đội chiêng nữ buôn Tuôr (xã Hòa Phú) đã có sự tập luyện rất bài bản. Các thành viên của đội chiêng là những cô gái còn rất trẻ, là thanh thiếu niên ở trong buôn. Các em sinh hoạt đều đặn, luôn tìm tòi, học hỏi và giữ được nét đặc trưng cơ bản nhất của cồng chiêng và múa xoang.

Từ những kiến thức, kỹ năng được học, Đội chiêng nữ buôn Tuôr đã tham gia nhiều chương trình, liên hoan, giao lưu văn hóa trên địa bàn thành phố và của tỉnh. Tại chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng thường kỳ do TP. Buôn Ma Thuột tổ chức, đội chiêng đã diễn tấu được nhiều bài chiêng truyền thống bằng chiêng tre, chiêng đồng và những điệu múa xoang duyên dáng. Sự tự tin của các cô gái đã khiến nhiều người dân và du khách cảm thấy thích thú, ai nấy đều muốn ghi lại những hình ảnh đẹp này.

Những cô gái buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn diễn tấu chiêng tre tại chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng thường kỳ do TP. Buôn Ma Thuột tổ chức.

Những “vốn quý” của buôn làng đã được các bạn trẻ đánh thức, cả về kỹ năng đánh chiêng và ý thức tự hào về văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Em H’Đê Bô Ra Byă (buôn Tuôr, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Lúc đầu em cũng rất bỡ ngỡ không biết phải tập, sử dụng chiêng tre, chiêng đồng như thế nào. Nhưng được sự hỗ trợ các thầy cô, đặc biệt là nghệ nhân Y Hiu, em và các bạn đã hiểu, tập luyện đạt được kết quả tốt”.

Còn anh Y Wer Ktul, Trưởng buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) tự hào chia sẻ: “Buôn đã có đội chiêng nữ, các em không chỉ yêu thích mà còn gắn bó sâu sắc với truyền thống của dân tộc mình”.

Ở Hòa Phú cũng còn những câu lạc bộ, đội, nhóm giữ gìn văn hóa truyền thống khác như Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân gian dân tộc Thái. Dù mới thành lập vào cuối năm 2023, nhưng trước đó các thành viên của CLB đã có nhiều hoạt động bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái như: ẩm thực, múa xòe, chữ viết…

Theo anh Lò Văn Vân, thành viên CLB thì trong thôn có hàng trăm hộ dân tộc Thái cùng sinh sống. Vì vậy, từ những ngày đầu tiên sống ở nơi đây, anh đã cùng bà con gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Thái. Anh cũng đã thành lập được một thương hiệu riêng của gia đình, chuyên cung cấp ẩm thực của dân tộc Thái đến du khách gần xa.

Có thể thấy, du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc đang là xu hướng phát triển. Ở Đắk Lắk, chính những “vốn quý” kể trên là nền tảng, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách đến với mảnh đất cao nguyên này.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc