Multimedia Đọc Báo in

Cách mạng tháng Tám và làn gió mới trong thi ca

14:51, 28/08/2024

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thổi một làn gió mới vào văn học nghệ thuật, trong đó có thi ca. Một loạt sáng tác mới ra đời, với cảm hứng mới, âm hưởng mới, thi pháp mới trong văn nghệ hiện đại Việt Nam.

Đón chào cách mạng mùa thu có lẽ vào thời điểm sớm nhất, hào hứng nhất phải kể đến nhà thơ cách mạng hàng đầu là Tố Hữu.

Tác phẩm của ông thực sự là khúc ca reo vang, hoan hỉ đón chào cuộc cách mạng “long trời lở đất” làm thay đổi tận gốc rễ chế độ và số phận của mỗi con người. Ông cũng là một trong những người trực tiếp lãnh đạo khởi nghĩa ở kinh đô Huế, ngay chính trên quê hương của mình.

Đây là bài thơ trong những tháng ngày lịch sử: Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!/ Nước mắt ta trào, búp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/ Hả hê chưa? Ai bịt được mồm ta?/ Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà/ Ai dám cấm ta say, say thần thánh? (Huế tháng Tám).

Trong bài thơ “Quê mẹ”, nhà thơ đã reo vui cùng quê hương đất nước khi nhớ lại sự kiện vĩ đại này: Tháng Tám vùng lên, Huế của ta/ Quảng, Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà/ Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế/ Đỏ ngập dòng sông, rộn tiếng ca.  Hình ảnh “đỏ ngập dòng sông” là miêu tả cờ đỏ sao vàng theo đoàn người khởi nghĩa xuôi ngược dòng sông, tạo nên khí thế oai hùng của một cuộc cách mạng được toàn dân hưởng ứng.

Cũng như sau này, khi hồi tưởng về lãnh tụ Hồ Chí Minh và cách mạng tháng Tám, nhà thơ trữ tình chính luận Tố Hữu đã có những vần thơ xúc động lòng người: Tổng khởi nghĩa! Lệnh truyền đêm trước/ Rồi quân ta giải phóng Thái Nguyên/ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cả nước/ Đứng lên ta giành hết chính quyền/ Hôm nay sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ. Chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình (Theo chân Bác).

Bão táp cách mạng dâng cao trong những ngày tổng khởi nghĩa trên toàn đất nước Việt Nam, trong tâm trạng phấn chấn, tin tưởng của hàng chục triệu con người, quyết đứng lên làm cuộc đổi đời mang lại độc lập, tự do. Từ Hà Nội đến Huế, Sài Gòn/ Từ bản xa xôi đến xóm làng gần/ Sóng cuộn biểu tình lên lớp lớp/ Đỏ rừng cờ nghĩa, trắng rừng gươm (Tổng khởi nghĩa - Xuân Thủy).

Nhà thơ đa tài Nguyễn Đình Thi cũng đã sáng tạo nên một trong những tác phẩm ấn tượng nhất của thi ca Việt Nam hiện đại khi nhắc đến sự kiện làm đất nước, con người Việt Nam thực sự thay da đổi thịt, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do: Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Trời đầy chim và đất đầy hoa/ Súng đạn chúng bay không bắn được/ Lòng dân ta yêu nước thương nhà/ … Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước).

Cách mạng tháng Tám đã trở thành niềm cảm hứng dồi dào, mãnh liệt, thành một trong những đề tài lớn được nhiều văn nghệ sĩ dành tài năng, tâm huyết thực sự quan tâm trong suốt chiều dài lịch sử từ đó cho đến hôm nay.

Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.